Liên minh châu Âu (EU) và chính phủ Anh vẫn không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Brexit tại hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra ở Brussels (Bỉ) ngày 17 và 18-10.
Các nhà lãnh đạo châu Âu trao đổi bên lề hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) ngày 18-10. Ảnh: Reuters |
Còn hơn 5 tháng nữa nước Anh rời EU nhưng mọi cuộc đàm phán Brexit vẫn bế tắc, bởi không bên nào đồng ý về việc làm sao tránh một biên giới có kiểm soát tại Ireland sau ngày 29-3-2019 (thời điểm Anh rời EU); bên cạnh đó là một thỏa thuận thương mại còn cách xa nhiều năm nữa mới đạt được.
Để ứng phó với tình thế “sa lầy”, theo hãng Reuters, Thủ tướng Anh Theresa May ngày 18-10 bày tỏ ý định cân nhắc gia hạn thêm giai đoạn chuyển tiếp “trong nhiều tháng” sau khi Anh rời EU, nghĩa là kéo dài thời gian chuyển giao đến năm 2021, thay vì tháng 12-2020.
Bà May nhấn mạnh muốn “đưa ra một lựa chọn nhằm kéo dài thời gian thực thi một vấn đề thêm nhiều tháng”, thực chất là muốn có thêm thời gian để giới chức Anh và EU thương lượng về thỏa thuận thương mại trong tương lai sau khi London rời “mái nhà chung”.
Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani nói với Thủ tướng May về khả năng EU sẽ kéo dài thời hạn quá độ của Anh thêm 1 năm, tức thay vì thời hạn quá độ 21 tháng (từ ngày 30-3-2019 đến 31-12-2020) thì sẽ kéo đến ngày 31-12-2021. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, cũng chia sẻ ý tưởng kéo dài quá trình chuyển tiếp Brexit đến năm 2021.
Theo Reuters, nhà lãnh đạo Anh đang chạy đua với thời gian để đạt được thỏa thuận Brexit theo “Kế hoạch Chequers” - kế hoạch mà bà May dành nhiều tâm huyết, với 3 nội dung chính: Anh ở lại thị trường chung hàng hóa của EU và tuân thủ luật lệ hiện nay; Anh tiếp tục tuân thủ điều luật về thuế quan trong liên minh thuế quan EU nhưng có quyền theo đuổi các thỏa thuận thương mại mới; Anh được phép kiểm soát biên giới quốc gia và xuất nhập cảnh.
Nếu ngày 30-3-2019, Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào trong tay, 3 triệu công dân các nước thành viên EU đang sống tại Anh và 1 triệu công dân Anh đang sống ở châu Âu sẽ mất toàn bộ quyền lợi cũng như sự bảo hộ lâu nay. Ngay cả các quan chức EU cũng không muốn Anh rời liên minh trong tình trạng “tay trắng” như vậy.
Bà May đã cố gắng tranh thủ hội nghị thượng đỉnh tại Brussels để đưa ra lập luận mềm mỏng hơn với những người đồng cấp trong EU. Tuy nhiên, những bế tắc mới nhất trong đàm phán đang khiến cả những người ủng hộ và những người chỉ trích Brexit thấy mệt mỏi vì chính phủ Anh chưa tìm được lối ra rõ ràng khi ngày chia tay với EU đang cận kề.
Về phía EU, các nhà lãnh đạo tỏ ra thoải mái với ý tưởng kéo dài thêm giai đoạn chuyển giao. Sau những cuộc đàm phán thất bại vào cuối tuần qua, một trong các nhà đàm phán của EU bày tỏ quan điểm rằng, việc kéo dài thêm thời gian khoảng 1 năm để giải quyết vấn đề biên giới Ireland là điều nước Anh nên làm.
Tuy nhiên, việc ở lại trong EU đến cuối năm 2021 cũng có nghĩa là trong 3 năm tới, Anh sẽ vẫn phải tuân thủ các nghĩa vụ tài chính với EU mà không được phép có tiếng nói nào. Với những người chủ trương rời EU, việc phải tiếp tục đóng tiền thuế của dân cho khối này sau khi Anh rời khối là điều thậm tệ.
Chưa hẳn đảng Bảo thủ, Nghị viện Anh, các đảng đối lập và cả cử tri Anh đồng ý với “sự mất mát” này. Trong nội bộ nước Anh hiện phẫn nộ, cho rằng quốc gia này đã phải “cho đi quá nhiều” trong các cuộc đàm phán và “nút thắt” Brexit vẫn chưa được tháo gỡ mặc dù các bên rất nỗ lực.
PHÚC NGUYÊN - ĐẮC LUÂN