Châu Phi cần đồng minh giàu có Saudi Arabia

.

Trong lúc Saudi Arabia hứng chịu “bão” chỉ trích về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán nước này ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), một số nước châu Phi bất ngờ lên tiếng ủng hộ Vương quốc Hồi giáo này, thậm chí thể hiện rằng “lục địa đen” cần một đồng minh giàu có như Riyadh.

Quốc vương Jordan Abdullah II (thứ hai, từ trái sang), Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (giữa) và Phó Thủ tướng Ethiopia Demeke Mekonnen (thứ hai, từ phải sang) tham dự diễn đàn đầu tư ở Riyadh ngày 23-10. 				Ảnh: AP
Quốc vương Jordan Abdullah II (thứ hai, từ trái sang), Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (giữa) và Phó Thủ tướng Ethiopia Demeke Mekonnen (thứ hai, từ phải sang) tham dự diễn đàn đầu tư ở Riyadh ngày 23-10. Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, Bộ Ngoại giao Nam Sudan đã ra tuyên bố đánh giá cao việc Saudi Arabia giải quyết khủng hoảng xung quanh cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi và nhấn mạnh cam kết về mối quan hệ mạnh mẽ với Riyadh.

Nam Sudan không phải là quốc gia duy nhất ở châu Phi ủng hộ Saudi Arabia, mà còn có Ethiopia, Djibouti, Mauritania…, khi các nước này đối mặt với hàng tỷ USD viện trợ từ Riyadh.

Ngày 23-10 vừa qua, tại diễn đàn đầu tư của Saudi Arabia, Phó Thủ tướng Ethiopia Demeke Mekonnen ngồi bên cạnh Thái tử Mohammed bin Salman, cả hai bắt tay nồng ấm. Hãng AP cho hay, một số người dân Ethiopia giận dữ, nhưng một số khác cho rằng, nước này cần một đồng minh giàu có.

Somalia vốn duy trì quan điểm trung lập giữa các cường quốc trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Vịnh nhưng hiện cũng muốn xích lại gần Saudi Arabia. Sau khi Thủ tướng Somalia Hassan Ali Khayre thăm Saudi Arabia vào ngày 10-10, Bộ Ngoại giao ở thủ đô Mogadishu tuần qua ra tuyên bố bày tỏ “tình đoàn kết toàn diện” với Vương quốc Hồi giáo nhằm chống lại “tất cả những ai tìm cách hủy hoại vai trò của Riyadh”. Người dân Somalia không hài lòng về động thái này nhưng chính phủ Mogadishu nói rằng, tuyên bố nói trên chỉ là “sự ủng hộ chung”.

Cộng hòa Djibouti nhỏ bé ở Đông Phi cũng “chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch truyền thông làm hoen hố hình ảnh” của người anh em Saudi Arabia. Không những thế, Cộng hòa Hồi giáo Mauritania ở Tây Phi 2 lần ra tuyên bố ủng hộ Saudi Arabia kể từ khi nhà báo Khashoggi bị cho là mất tích và lên án “chiến dịch cáo buộc giả”.

Theo AP, trong đó, sự ủng hộ của Nam Sudan đối với Saudi Arabia gây ngạc nhiên nhất. Thứ trưởng Ngoại giao Nam Sudan Baak Wol khẳng định: “Không ai gây áp lực với chúng tôi đưa ra tuyên bố đó. Cũng như các chính phủ khác trên thế giới, chúng tôi có quyền ra những tuyên bố. Chúng tôi muốn bày tỏ quan điểm của mình về điều mà mọi người trên thế giới đang quan tâm”.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, chính phủ Nam Sudan đang tìm kiếm những người bạn khi mối quan hệ với Mỹ - nhà tài trợ hàng đầu đang trở nên lạnh giá do sự thất bại của quốc gia nằm giữa châu Phi trong việc kết thúc nội chiến.

Mỹ không những đã thành công khi thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với Nam Sudan hồi đầu năm nay mà còn dọa rút lại hàng tỷ USD viện trợ. GS. Jacob Chol tại Đại học Juba (Nam Sudan), đồng thời là nhà phân tích chính trị gọi động thái của đất nước non trẻ nhất thế giới này là “cơ hội” để Saudi Arabia có thể hỗ trợ tài chính cho chính phủ Juba.

Trong lúc đó, Mỹ thông báo sẽ hủy thị thực của khoảng 20 quan chức Saudi Arabia liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Đây là động thái cứng rắn nhất của Washington với quốc gia đồng minh thân cận. Song, theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Washington không dung thứ và áp dụng thêm các biện pháp đối với những người phải chịu trách nhiệm.

Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra tuyên bố sau cùng về việc ai chịu trách nhiệm cho cái chết của nhà báo Khashoggi khi Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel và các quan chức khác trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm làm sáng tỏ cái chết của nhà báo Khashoggi. Ngày 24-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh không để những ai chịu trách nhiệm về vụ việc trốn tránh pháp luật và Ankara sẽ tiếp tục chia sẻ bằng chứng mới một cách minh bạch với các đối tác để đưa “những kẻ giết người” ra ánh sáng.

Tại Tehran, hãng thông tấn IRNA dẫn lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, Saudi Arabia sẽ không sát hại nhà báo Khashoggi nếu không có sự bảo đảm của Mỹ.

Hiện vẫn chưa rõ thi thể của ông Khashoggi ở đâu, chỉ có những đồn đoán chưa được xác nhận chính thức.

Trong lúc Mỹ là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Saudi Arabia, nhiều thập niên qua, châu Âu cũng bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Vương quốc Hồi giáo này. Ngày 24-10, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói rằng, chính phủ của ông sẽ thực hiện đầy đủ các hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia mặc dù ông thất vọng về vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel khẳng định, việc xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia không thể được thực hiện trong lúc này. Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier kêu gọi quan điểm thống nhất của châu Âu về các thương vụ vũ khí với Riyadh. Tháng trước, Đức đồng ý bán vũ khí trị giá 480 triệu USD cho Saudi Arabia và quốc gia Trung Đông giàu có này trở thành khách hàng lớn thứ hai của Berlin (chỉ sau Algeria), nhưng nay bà Merkel phản ứng quyết liệt, đòi tham vấn với các đối tác quốc tế để phối hợp đưa ra phản ứng về cái chết của nhà báo Khashoggi.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong số vũ khí nhập khẩu của Saudi Arabia từ năm 2013-2017, Tây Ban Nha chiếm khoảng 2%, ngang với Đức, Ý và Thụy Sĩ; Pháp chiếm khoảng 4%; Anh: 23%; Mỹ: 61%.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.