"Cơn địa chấn" ở Trung Đông

.

Saudi Arabia đang đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế xung quanh cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Hình ảnh Riyadh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ vụ việc này, nhất là khi Mỹ cho rằng lý giải của Vương quốc Hồi giáo này về vụ việc là chưa đủ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (bìa trái) đến Riyadh tuần trước để tìm hiểu vụ nhà báo mất tích. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (bìa trái) đến Riyadh tuần trước để tìm hiểu vụ nhà báo mất tích. Ảnh: AP

Phải 2 tuần sau khi xảy ra vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích, các cường quốc thế giới yêu cầu phải có câu trả lời, Saudi Arabia mới tiết lộ thông tin về cái chết của ông. Cụ thể, nhà báo Khashoggi đã có cuộc tranh cãi với một số người tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và cuộc tranh cãi đã biến thành ẩu đả, khiến ông này thiệt mạng.

18 công dân Saudi Arabia liên quan vụ việc đã bị bắt; 2 trợ lý hàng đầu của Thái tử Mohammed bin Salman gồm Phó Giám đốc Tình báo Ahmad al-Assiri và Cố vấn truyền thông của Hoàng gia Saud al-Qahtani bị sa thải.

Hãng AFP cho biết, việc nhà báo Khashoggi, cây bút của tờ Washington Post chết sau khi vào Lãnh sự quán ở Istanbul vào ngày 2-10 đẩy Saudi Arabia trở thành tâm điểm hứng chịu chỉ trích của quốc tế, đồng thời khơi mào cho khủng hoảng đối với Thái tử Salman, đồng minh của chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hình ảnh nhà cải cách hiện đại của thế giới Arab mà Thái tử Salman nỗ lực xây dựng đang bị hủy hoại. 

Ông Michael Stephens, chuyên gia Trung Đông tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia có trụ sở ở London (Anh) cho rằng, đây là thời điểm tạo cơn địa chấn nhất trong nền chính trị Trung Đông kể từ cách mạng Mùa xuân Arab năm 2011.

Anh là một trong những nước mới đây nhất hoài nghi về sự lý giải của Saudi Arabia. Ngày 21-10, trả lời hãng BBC, Bộ trưởng Brexit của Anh Dominic Raab cho rằng, giải thích của Riyadh không đáng tin cậy, đồng thời bày tỏ ủng hộ cuộc điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ đối với vụ việc.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng nói rằng, nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel thúc giục sự minh bạch và nhận định “những báo cáo có sẵn về những gì đã xảy ra trong Lãnh sự quán Istanbul là không đủ”.

Nhà báo Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia và sinh sống tại Mỹ. Ông từng viết bài chỉ trích việc Saudi Arabia can dự vào tình hình chiến sự tại Yemen. Việc ông mất tích gây căng thẳng ngoại giao giữa Saudi Arabia và các nước phương Tây. Tuần trước, Mỹ cử Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ để tìm hiểu vụ việc trong lúc Riyadh khăng khăng bác bỏ bất kỳ liên quan nào.

Dư luận đặc biệt quan tâm đến thái độ của Mỹ mặc dù Tổng thống Trump ngay từ đầu đã đề cập về sự trừng phạt nếu Saudi Arabia thực sự đứng sau vụ việc. Ngày 21-10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng, còn quá sớm để nói về khả năng Washington trừng phạt Saudi Arabia và phải chờ đến khi công tác điều tra hoàn tất. Song, theo ông Mnuchin, những thông tin hiện tại về công tác điều tra liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi là “bước tiến tốt nhưng chưa đủ”.

Ban đầu, Tổng thống Trump nói rằng, giải thích của Saudi Arabia đáng tin cậy nhưng sau đó ông tỏ ra hoài nghi mặc dù nhà lãnh đạo Mỹ không muốn chấm dứt thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá nhiều tỷ USD với Vương quốc Hồi giáo.

“Tôi không hài lòng cho đến khi chúng tôi tìm ra câu trả lời”, ông Trump nói với báo giới. “Đây là một bước đi lớn đầu tiên. Đây là một bước đi tốt đầu tiên. Nhưng tôi muốn có câu trả lời”, ông chủ Nhà Trắng hàm ý nói đến lý giải của quốc gia đồng minh.

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - đồng minh của Saudi Arabia và các quốc gia khác như Ai Cập, Kuwait và Oman đều hoan nghênh tiết lộ của Riyadh.

Saudi Arabia đang nỗ lực để giải quyết khủng hoảng do vụ nhà báo Khashoggi mất tích gây nên. Thiệt hại trước mắt là diễn đàn đầu tư then chốt “Sáng kiến đầu tư tương lai” (được biết đến là “Davos ở sa mạc”) diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 23 đến 25-10, sẽ vắng bóng một số quan chức của các cường quốc và cả những tập đoàn lớn.

Hàng chục giám đốc điều hành, từ Ngân hàng JP Morgan đến nhà sản xuất xe Ford, hãng Uber đều hủy bỏ kế hoạch tham dự sự kiện nói trên. Úc cũng rút đại diện và nói rằng “không còn phù hợp” để tham dự. Các hãng truyền thông lớn như Bloomberg, CNN, báo Financial Times không có mặt…

Thiệt hại xa hơn là vị thế của Saudi Arabia ở khu vực bị lung lay trước Iran. Một liên minh ngầm giữa Iran với Lebanon, thậm chí với Qatar có thể được tăng cường. Và giờ đây, Riyadh sẽ không thể mạnh miệng chỉ trích Iran là “kẻ phản diện” ở khu vực.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.