Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga: Thông điệp gửi Triều Tiên?

.

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Liên Xô (cũ) vào năm 1987 được cho là nhằm gửi thông điệp đến CHDCND Triều Tiên trong lúc Washington và Bình Nhưỡng đang thúc đẩy đàm phán về phi hạt nhân hóa.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton (phải) gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow ngày 23-10 để bàn về việc Washington rút khỏi INF. 	Ảnh: AP
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton (phải) gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow ngày 23-10 để bàn về việc Washington rút khỏi INF. Ảnh: AP

Trong bài bình luận đăng trên hãng Fox News ngày 26-10, tác giả Marc Thiessen cho rằng, khi công bố quyết định sẽ rút khỏi INF, Tổng thống Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, nhưng ông chủ Nhà Trắng cũng có mục đích khác, đó là gửi thông điệp đến CHDCND Triều Tiên rằng, nếu Bình Nhưỡng không phi hạt nhân hóa, Washington sẽ dùng tên lửa tầm ngắn và tầm trung vây quanh nước này, theo đó sẽ tấn công mà không cần cảnh báo.

Trong lúc này, đàm phán về hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa có nhiều tiến triển. Theo Fox News, mối đe dọa triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á có thể làm thay đổi động lực của các cuộc đàm phán đó.

Năm 1983, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Ronald Reagan đã công bố kế hoạch triển khai hàng trăm tên lửa tầm trung Pershing II ở Tây Âu nhằm đáp trả việc Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân SS-20. Động thái của Mỹ đã khơi mào làn sóng phản đối trên khắp châu Âu nhưng cũng gây áp lực đáng kể lên Moscow, đặt nền tảng cho hàng loạt hiệp ước kiểm soát vũ khí ra đời, trong đó có INF.

Ông Marc Thiessen cho rằng, giờ đây, với việc rút khỏi INF, Tổng thống Trump có thể gây áp lực tương tự lên Triều Tiên. Hiệp ước INF quy định Mỹ và Nga không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm ngắn và tầm trung (từ 500 - 5.500km).

Khi không còn bị INF ràng buộc, Mỹ có thể triển khai hàng trăm tên lửa tầm ngắn và tầm trung đến các căn cứ ở châu Á, trong đó có đảo Guam (cách Triều Tiên 2.100 dặm) và Nhật Bản (cách Triều Tiên 650 dặm).

Bình Nhưỡng chắc chắn không muốn tên lửa của Mỹ xuất hiện ở cửa của mình. Trung Quốc cũng vậy, bởi Bắc Kinh xem việc triển khai như thế sẽ khôi phục sức mạnh quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Theo Đô đốc Harry Harris, cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy của Mỹ ở Thái Bình Dương, Trung Quốc sở hữu “lực lượng tên lửa lớn nhất và đa dạng nhất thế giới”, 95% trong số đó sẽ vi phạm INF nếu Bắc Kinh ký kết hiệp ước này.

Ông Marc Thiessen nhận định, sự thực Bắc Kinh có những tên lửa như thế, trong khi Mỹ không có; điều này đặt Mỹ vào những bất lợi nếu xảy ra xung đột với cường quốc hàng đầu châu Á.

Cũng theo Fox News, việc rút khỏi INF sẽ mở đường để Mỹ phát triển và triển khai các tên lửa mới vốn bị hiệp ước này ngăn cấm, cũng như các vũ khí siêu âm mới có tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh để cạnh tranh với sự đầu tư của Trung Quốc ở lĩnh vực này. Đây sẽ là trở ngại lớn đối với cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên.

Động thái của Tổng thống Trump cũng giúp Mỹ chiếm ưu thế trong việc “mặc cả”. Theo đó, Triều Tiên có động lực mới để phi hạt nhân hóa, còn Trung Quốc có một lợi ích chiến lược mới để gây áp lực với Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí và tên lửa.

Với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, những nước này luôn xem INF là “chỗ dựa” giúp kiểm soát vũ khí. Vì vậy, INF sụp đổ có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang với khả năng Mỹ triển khai hệ thống tên lửa hạt nhân thế hệ mới tại châu Âu. Giới quan sát dự đoán Mỹ có thể trì hoãn việc chính thức rút khỏi INF cho đến sau cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến vào ngày 11-11 tại Paris (Pháp).

Trong lúc đó, Nga đã đệ trình dự thảo nghị quyết, yêu cầu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ra sức bảo vệ INF. Nếu được thông qua, nghị quyết này sẽ cho phép “tiếp tục các cuộc thảo luận giữa Nga và Mỹ để giải quyết các mối quan tâm của hai nước về khung của thỏa thuận”. Song, Mỹ bác bỏ dự thảo nghị quyết này.

BÌNH YÊN
 

;
.
.
.
.
.
.