Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong 3 ngày, kể từ ngày 25-10, mở ra tương lai mới cho quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á sau những bất đồng, tranh chấp.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm nay (26-10). Ảnh: Getty Images |
Hãng Reuters cho rằng, mục đích chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là thúc đẩy niềm tin với Trung Quốc nhân kỷ niệm 40 năm hai nước ký kết Hiệp ước hòa bình và hữu nghị, đồng thời hướng tới hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Thủ tướng Abe đến thủ đô Bắc Kinh vào ngày 25-10 để có cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong 7 năm qua mặc dù ông đã đến Bắc Kinh vào năm 2016 để tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Lần này, ông Abe gặp gỡ Thủ tướng Lý Khắc Cường vào ngày 25-10 và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào hôm nay (26-10). Hãng Reuters cũng cho hay, trong chuyến công du của Thủ tướng Abe, hai nước láng giềng sẽ ký kết khoảng 50 biên bản ghi nhớ, từ các dự án năng lượng, y tế đến tài chính, ô-tô. Đồng thời, hai bên sẽ bàn thảo khôi phục đàm phán về một hiệp định cùng khai thác khí đốt ở biển Hoa Đông.
Phát biểu với báo giới ngay khi đến Bắc Kinh, ông Abe nói rằng, Nhật Bản và Trung Quốc đóng vai trò không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế không chỉ của châu Á mà còn của thế giới. “Trong suốt chuyến thăm, tôi muốn nâng mối quan hệ giữa hai nước lên một mức độ mới”, ông Abe nhấn mạnh.
Theo các nhà quan sát, từ nửa cuối năm 2017 đến nay đánh dấu sự cải thiện trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Hãng Reuters cho rằng, Trung Quốc xích lại gần Nhật Bản và các nước khác trong lúc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ leo thang. Trong khi đó, vốn lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nhật Bản muốn xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với đối tác thương mại lớn nhất của mình. Song, Tokyo phải bảo đảm sao cho việc hàn gắn với Bắc Kinh không làm phật ý Mỹ - đồng minh an ninh then chốt nhất.
Hãng Bloomberg gọi cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình là sự kiện quan trọng bởi không những làm “tan băng” giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, mà còn phục vụ cho những mục đích giá trị khác. Theo hãng tin này, trong lúc Trung Quốc và Mỹ căng thẳng, Bắc Kinh muốn tìm kiếm bạn. Ông Abe có thể nắm bắt cơ hội này để cải thiện quan hệ với quốc gia láng giềng, nếu thành công thì đương nhiên có lợi cho Nhật Bản.
Bà Yun Sun, chuyên gia Trung Quốc tại Trung tâm Stimson có trụ sở ở thủ đô Washington D.C. cho rằng, lần đầu tiên sau một thời gian dài, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm kiếm mối quan hệ tích cực với Nhật Bản. Cơ hội đang chín muồi để hai nước cải thiện quan hệ, “bắt tay” thúc đẩy hợp tác.
Song, thách thức lớn nhất giữa Nhật Bản và Trung Quốc là vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, nhất là khi Tokyo quốc hữu hóa một nhóm đảo nhỏ vào năm 2012. Bên cạnh đó, hai nước vẫn tồn tại những bất đồng về lịch sử, khiến mối quan hệ song phương trải qua nhiều thăng trầm, có lúc căng thẳng tột độ.
Nhận xét với hãng CNBC, Victor Teo - giảng viên Đại học Hong Kong cho rằng, cuộc gặp giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều có chung mối lo về Mỹ, nhất là về Tổng thống Donald Trump và các chính sách của người đứng đầu Nhà Trắng. Theo nhà phân tích Glen Fukushima, việc Tổng thống Trump theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết” và khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc càng khiến nước này muốn xích lại gần Nhật Bản. Trong khi đó, Nhật Bản cảm thấy bị Mỹ bỏ rơi sau khi Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Victor Teo cùng bày tỏ hy vọng nhiều thỏa thuận kinh tế sẽ được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến Bắc Kinh. Chuyên gia này cho rằng, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc là “chính trị lạnh, nhưng kinh tế nóng”. “Nếu họ không thể thống nhất về chính trị, họ sẽ chỉ hợp tác về kinh tế”, ông Victor Teo nói.
PHÚC NGUYÊN