QUAN SÁT & BÌNH LUẬN

Kinh tế Nga trước chính sách bao vây cấm vận

Từ năm 2014 đến nay, nền kinh tế nước Nga đứng trước 3 thách thức khắc nghiệt: tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 chưa phục hồi; giá dầu, nguồn thu ngân sách trụ cột của nhà nước sụt giảm nhanh chóng; đặc biệt, Mỹ và các nước phương Tây tiến hành các biện pháp bao vây cấm vận do cuộc xung đột ở Ukraine và việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga cũng như một số vụ việc khác.

Sau 4 năm nhìn lại, nền kinh tế Nga hiện nay ra sao?

Phát biểu trong chương trình “Putin - Điện Kremlin” ngày 7-10 vừa qua trên kênh truyền hình Nước Nga-1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhấn mạnh, bất chấp việc Moscow phải hứng chịu “cú đòn kép” - giá “vàng đen” giảm trong năm ngoái và những hạn chế do bị áp đặt từ bên ngoài - nhưng “bây giờ có thể khẳng định nền kinh tế Nga đã trở nên ít phụ thuộc hơn vào giá dầu cũng như những tác động tiêu cực từ chính sách trừng phạt”.

Thực tế cho thấy, càng đối mặt với khó khăn, thách thức, người Nga với tinh thần tự lực, tự cường càng nỗ lực tìm mọi giải pháp thích ứng, từng bước đưa nền kinh tế đi vào quỹ đạo ổn định và tăng trưởng trở lại. Tạp chí Foreign Affairs số ra gần đây có bài “Sự thành công đáng kinh ngạc của Putinomics” rút ra 3 bài học về chính sách kinh tế mà Tổng thống Putin và đội ngũ của ông đề ra (Putinomics):

Một là, trên tất cả, chính phủ Nga đã tập trung vào sự ổn định kinh tế vĩ mô - duy trì mức nợ và lạm phát thấp.

Hai là, ngăn chặn sự bất đồng trong dân chúng bằng việc bảo đảm tỷ lệ thất nghiệp thấp và trợ cấp đều đặn.

Ba là, để khu vực tư nhân nâng cao tính hiệu quả nhưng chỉ ở những nơi nó không xung đột với các mục tiêu chính trị. Chiến lược này không làm Nga trở nên giàu có hơn nhưng giữ nước này ổn định và giới lãnh đạo cấp cao tiếp tục nắm quyền.

Kiên trì với 3 mục tiêu đó, nền kinh tế Nga đã từng bước ổn định và phát triển tích cực.

Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Moscow ngày 6-9, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Maxim Oreshkin khẳng định, các chỉ số kinh tế vĩ mô cao là chìa khóa tăng trưởng bền vững. Ngoài ngân sách thặng dư khoảng 1% GDP, Nga cũng có tài khoản vãng lai thặng dư hơn 2% GDP và nợ nước ngoài thấp hơn.

Bộ Tài chính Nga ước tính thặng dư ngân sách liên bang của Nga trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 1.380 tỷ ruble (tương đương 20 tỷ USD). Trong khi đó, chi tiêu ngân sách thấp hơn 5% so với dự toán (chỉ còn hơn 7.600 tỷ ruble).

Tại cuộc họp chính phủ ngày 6-9, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết, 55% nguồn thu của Nga trong 7 tháng đầu năm 2018 không liên quan đến việc bán dầu và khí. Đây là điều không dễ dàng làm được khi trước đó nguồn thu của Nga chủ yếu dựa vào “vàng đen”.

Trong khi đó, đánh giá về chính sách bao vây cấm vận của Mỹ trên thế giới nói chung và nhằm vào nước Nga nói riêng, Tổng thống Vladimir Putin ngày 3-10 cho rằng, việc Washington áp lệnh trừng phạt trên toàn thế giới và “lạm dụng” đồng USD là một sai lầm “lớn và điển hình”, đồng thời cảnh báo chiến lược này có thể để lại hậu quả. Tổng thống Putin nói rằng, Nga không còn có thể tin tưởng hệ thống tài chính do đồng USD thống trị kể từ khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương và vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo nhiều nhà quan sát chính trị và chuyên gia kinh tế, kinh tế Nga thoát khỏi suy thoái và tăng trưởng trở lại trong bối cảnh “tồi tệ” do nền kinh tế nước này đã và đang có những “phẩm chất” mới. Đầu tiên chính là sự phát triển sáng tạo, năng động dựa vào việc mở rộng nhu cầu trong nước, gia tăng về mặt tiêu dùng và đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất. Hai là sự ổn định xã hội, xây dựng lòng tin của người dân vào các mục tiêu của chính quyền và luôn hướng đến người dân để hành động. Ba là, uy tín của nước Nga trên trường quốc tế không những không suy giảm, mà còn tạo những bước ngoặt ấn tượng, để Nga thật sự là một người bạn tin cậy, một cường quốc quân sự có trách nhiệm, một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và gắn kết.

Trong tình thế khó khăn, Nga đã tìm mọi cách để từng bước đưa nền kinh tế đi vào ổn định và có nhiều yếu tố tích cực. Đó cũng là tiền đề thuận lợi để nền kinh tế Nga tiếp tục phát triển trong những năm đến.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.