Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ cái chết của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi khiến Vương quốc Hồi giáo này lúng túng, bởi vụ việc đang châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ của cộng đồng quốc tế.
Thái tử Mohammed bin Salman là tâm điểm chỉ trích xung quanh cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: CNN |
Có lẽ giới chức Saudi Arabia và chính Thái tử Mohammed bin Salman thấy bất ngờ khi sự biến mất của nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) lại gây ra khủng hoảng ngoại giao và ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh Riyadh. Vì vậy, ông Khashoggi mất tích vào ngày 2-10 nhưng mãi đến ngày 20-10, Riyadh mới tiết lộ về cái chết của nhà báo này.
Ngày 23-10, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir khẳng định, nước ông cam kết điều tra kỹ lưỡng và toàn diện để tìm ra sự thật đằng sau cái chết của nhà báo Khashoggi. 18 người bị bắt giữ và 6 quan chức cấp cao của chính phủ Saudi Arabia bị cách chức nhưng không làm giảm nhẹ làn sóng phẫn nộ của quốc tế. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều không hài lòng về lý giải của Saudi Arabia rằng, nhà báo Khashoggi đã chết trong vụ ẩu đả bên trong Lãnh sự quán nước này tại Istanbul. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel đến Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 22-10 để điều tra về cái chết của Khashoggi, bởi Tổng thống Trump thực chất không muốn mất sự đầu tư từ Riyadh và muốn “đi đến tận cùng sự việc”.
Hội nghị Sáng kiến Đầu tư tương lai (FII), sự kiện được xem là “Davos ở sa mạc”, khai mạc ngày 23-10, kéo dài trong 3 ngày tại thủ đô Riyadh trong tình trạng ảm đạm vì thiếu vắng quan chức nhiều nước và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đến Riyadh, gặp gỡ Thái tử Mohammed để bàn về “tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Saudi Arabia - Mỹ” nhưng ông không tham dự FII. Đức tuyên bố sẽ ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia; trong khi Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung yêu cầu Riyadh khẩn trương cấp làm rõ những gì đã xảy ra vào ngày 2-10.
Hãng Reuters ngày 23-10 dẫn nguồn tin an ninh Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ông Khashoggi bị sát hại theo lệnh của Saud al-Qahtani, trợ lý hàng đầu của Thái tử Mohammed. Vì vậy, với các đồng minh của Saudi Arabia, câu hỏi đặt ra là họ có thể tin rằng, Thái tử Salman là nhà cải cách hiện đại như hình ảnh ông xây dựng và Quốc vương 82 tuổi Salman có trao quyền cho Thái tử không. Phản ứng chậm chạp và những thông tin về việc nhà báo Khashoggi bị sát hại trong một “kế hoạch tàn ác” đang làm hoen ố hình ảnh vị Thái tử 33 tuổi. Các quan chức Mỹ cho rằng, Thái tử Mohammed phải chịu trách nhiệm cuối cùng về cái chết của Khashoggi vì vai trò của ông trong việc giám sát bộ máy an ninh. Trong bài viết trên báo The New York Times, một chuyên gia Saudi Arabia đề cập một số ứng viên thay thế Thái tử, như Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz (em trai của Quốc vương Salman), Hoàng thân Muhammad bin Nayef (cháu của Quốc vương Salman). Theo tờ Le Figaro, kế vị ngai vàng sẽ là Hoàng tử Khalid bin Salman, em trai của Thái tử Mohammed và hiện là đại sứ tại Mỹ.
Trong lúc đó, phát biểu trước Quốc hội ở Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, một nhóm người Saudi Arabia gồm nhân viên tình báo, an ninh và pháp lý đã vào Lãnh sự quán nước này ở Istanbul cùng ngày xảy ra vụ giết hại nhà báo Khashoggi. Ông Erdogan khẳng định, mặc dù các camera ở Lãnh sự quán Saudi Arabia bị gỡ bỏ nhưng nhà báo thực sự đã vào cơ quan ngoại giao này mà không trở ra và cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ có bằng chứng về “vụ giết người man rợ” được lên kế hoạch trước đó. Ông Erdogan cũng không hài lòng với cách đổ lỗi của Saudi Arabia cho một số nhân viên tình báo. Song, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không nhắc đến Thái tử Mohammed, mà hàm ý rằng ông không tin vào cuộc điều tra của Riyadh.
Nhà báo Khashoggi rời khỏi Saudi Arabia vào năm 2017, thời gian gần đây sống ở Mỹ và làm cộng tác viên cho tờ The Washington Post. Cái chết của ông, nếu thực sự có vai trò của Riyadh, sẽ phủ bóng lên nền chính trị cũng như kinh tế của đất nước Hồi giáo này. Một “bước đi chính trị lệch lạc” như thế không những làm rạn nứt quan hệ Mỹ - Saudi Arabia, mà còn tác động đến khu vực Trung Đông và kinh tế toàn cầu.
THIÊN BÌNH