Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đang chịu sức ép ngày càng gia tăng về việc giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng chính trị sau khi ông sa thải Thủ tướng Ranil Wickremesinghe vào ngày 26-10.
Hãng Reuters cho biết, Tổng thống Sirisena đã sa thải Thủ tướng do có bộ trưởng liên quan âm mưu ám sát ông cũng như quản lý kinh tế yếu kém; đồng thời bổ nhiệm cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa làm Thủ tướng mới. Ngày 27-10, Tổng thống Sirisena đình chỉ mọi cuộc họp của Quốc hội gồm 225 thành viên cho đến ngày 16-11. Cuộc khủng hoảng tiếp tục có chuyển biến xấu khi cảnh vệ của cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Arjuna Ranatunga - thành viên trong nội các vừa bị giải thể - nổ súng vào một đám đông ủng hộ Tổng thống Sirisena hôm 28-10 làm 1 người chết và 2 người khác bị thương.
Trong khi đó, ông Wickremesinghe cho rằng, việc sa thải ông là hành động bất hợp pháp, đồng thời khẳng định ông vẫn là Thủ tướng.
Theo Reuters, Ấn Độ và Mỹ đã kêu gọi tất cả các bên ở Sri Lanka kiềm chế, không để xảy ra bạo lực, yêu cầu Tổng thống Sirisena tuân thủ Hiến pháp và lập tức triệu tập Quốc hội. Trong khi đó, hàng trăm người ủng hộ Thủ tướng Wickremesinghe tiếp tục tụ tập bên ngoài nhà ông, lên án Tổng thống Sirisena và tân Thủ tướng Rajapaksa. Ít nhất 3 người bị thương do đụng độ với cảnh sát.
Quốc hội Sri Lanka dự kiến họp trở lại vào ngày 5-11 để công bố ngân sách tài khóa 2019. Lực lượng cảnh sát đang được đặt ở trạng thái báo động khẩn cấp.
Căng thẳng giữa Tổng thống Sirisena và Thủ tướng bị cách chức Wickremesinghe đã xảy ra trong thời gian dài vì ông Sirisena không chấp thuận một số cải cách kinh tế của ông Wickremesinghe. Ông Wickremesinghe đã nỗ lực để tái cân bằng quan hệ đối ngoại của Sri Lanka theo hướng tách khỏi Trung Quốc và xích lại gần Ấn Độ, Nhật Bản.
Việc đình chỉ hoạt động Quốc hội có thể khiến tình hình tài chính của chính phủ càng khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm và nội tệ suy yếu. Trái phiếu của Sri Lanka đã bán hết vào ngày 29-10, trong khi đồng rupee giảm 0,58% xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.
THƯ LÊ