Thảm họa kép ở Indonesia: Chạy đua giải cứu nạn nhân

.

Các nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm, giải cứu các nạn nhân bị kẹt trong đống đổ nát ở đảo Sulawesi của Indonesia sau thảm họa động đất và sóng thần, trong lúc số người chết tăng lên hơn 1.200 người.

Cảnh tan hoang ở thành phố Palu, nơi có 380.000 người sinh sống. Ảnh: Reuters
Cảnh tan hoang ở thành phố Palu, nơi có 380.000 người sinh sống. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, hàng chục người được cho là bị kẹt trong đống đất đá khi một số khách sạn và trung tâm mua sắm ở thành phố Palu, cách thủ đô Jakarta 1.500km về phía đông bắc, bị đổ sập; hàng trăm người cũng có thể bị chôn vùi trong những trận lở đất cuốn trôi nhiều ngôi làng.

Vì vậy, con số 1.203 người chết được Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia (BMKG) xác nhận vào ngày 1-10 chắc chắn tiếp tục tăng. Hầu hết các nạn nhân ở Palu, thành phố có 380.000 dân.

Những người sống sót vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi khu vực đảo Sulawesi liên tiếp hứng chịu hai trận động đất mạnh 6,1 độ Richter và 7,5 độ Richter vào chiều 28-9, tạo nên sóng thần với những cột sóng cao đến 6m.

Các clip được đăng tải trên các trang mạng xã hội cho thấy, hôm xảy ra thảm họa, nhiều gia đình ở Palu bế con nhỏ la hét và chạy khỏi những ngôi nhà đang dịch chuyển. Mặt đất dưới chân họ bị sụt lún. Các chuyên gia gọi đây là hiện tượng “đất hóa lỏng” khi những đợt rung chấn khiến các lớp đất cát trộn lẫn vào nhau, tạo ra hiệu ứng như “hố tử thần”.

Tuy nhiên, theo Reuters, gần 3 ngày sau động đất và sóng thần, vẫn chưa xác định được phạm vi thảm họa. Số người thiệt mạng được công bố khác nhau, nhiều hãng tin đưa ra con số 844 người chết, tính đến ngày 1-10.

Thị trấn Donggala, phía bắc Palu, có 300.000 người sinh sống, gần tâm chấn động đất cùng 2 thị trấn khác hiện chưa thể khôi phục hệ thống thông tin liên lạc. Trong khi đó, nhiều người ở Palu do quá hoảng sợ nên quyết định rời thành phố này. Họ chất đồ đạc trên những chiếc xe tải, ô-tô và xe máy để rời thành phố.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo nói rằng, việc giải cứu các nạn nhân khỏi những đống đổ nát là ưu tiên hàng đầu; bên cạnh đó là sơ tán, bảo đảm thức ăn và nước uống cho khu vực bị thiệt hại nặng nề.

Song, công tác cứu hộ gặp khó khăn do thiếu thiết bị hạng nặng. “Nhiều khu vực chưa thể tiếp cận được… Chúng tôi sẽ đưa nhiều lương thực đến từ thủ đô Jakarta bằng các máy bay Hercules”, ông Widodo nhấn mạnh. Giới chức Indonesia cũng chuẩn bị lễ an táng tập thể đối với các nạn nhân khi xác định được danh tính của họ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Nhân viên cứu trợ Lian Gogali đến Donggala bằng xe máy cho biết, hàng trăm người đối mặt với tình trạng thiếu cái ăn và thuốc men nhưng lực lượng cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được hiện trường, nhiều tuyến đường bị phong tỏa, cây cối nằm ngổn ngang, nhà cửa bị sập… “Cảnh tượng tan hoang”, bà Gogali mô tả. Người phát ngôn tổ chức Chữ thập đỏ Indonesia Aulia Arriani cho hay, thị trấn Sigi cũng bị thảm họa tàn phá tương tự.

Tổng thống Widodo đã đồng ý tiếp nhận sự trợ giúp của các nước khác. Úc, Thái Lan, Trung Quốc và Mỹ đề nghị hỗ trợ Indonesia. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố viện trợ khẩn cấp cho quốc gia Đông Nam Á này 1,5 triệu euro (1,74 triệu USD); Hàn Quốc sẽ viện trợ nhân đạo 1 triệu USD.

Sinh viên Việt Nam ở Palu an toàn 
 
10 sinh viên Việt Nam ở Palu - nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi các trận động đất, sóng thần, vừa hạ cánh an toàn xuống sân bay ở thành phố Makassar. 
 
Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết, cơ quan này đang tích cực và khẩn trương triển khai phương án đưa các sinh viên Việt Nam ở Palu rời khỏi thành phố này về thủ đô Jakarta. 
 
Đại sứ quán Việt Nam đã gửi công hàm tới các cơ quan chức năng của Indonesia. Đại sứ Phạm Vinh Quang đã liên hệ với Thứ trưởng Bộ điều phối các vấn đề chính trị, pháp luật và an ninh (cơ quan điều phối cứu trợ của Indonesia) để đề nghị giúp đỡ.
 
TTXVN
Bão Trami gây thiệt hại ở Nhật Bản
 
Bão Trami đổ vào các tỉnh phía bắc Nhật Bản vào đêm 30-9, rạng sáng 1-10, gây thiệt hại lớn tại khu vực này. Tốc độ gió đo được ở thủ đô Tokyo khoảng 180km/giờ, cao nhất kể từ lần đầu tiên thống kê cách đây 20 năm.
 
Các nhà chức trách cho biết, tính đến sáng 1-10, có 2 người chết, 2 người mất tích và 123 người khác bị thương. Hàng trăm chuyến bay và dịch vụ tàu hỏa bị hủy hoặc hoãn cho đến sáng 1-10. Trước đó, giới chức Nhật Bản cảnh báo 3,7 triệu người sơ tán vì bão Trami.

THIÊN BÌNH 

;
.
.
.
.
.
.