Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố có bằng chứng cho thấy nhà báo Khashoggi bị sát hại bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul. Saudi Arabia kịch liệt bác bỏ.
Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Abrabia vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Ngày 12/10, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này có bằng chứng cho thấy nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi đã bị sát hại bên trong tòa nhà lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, Saudi Arabia đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc. Dư luận thế giới tiếp tục bày tỏ quan ngại về những tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia và yêu cầu làm sáng tỏ vụ mất tích của nhà báo Khashoggi.
Nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi. Ảnh: DW |
Một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia nhất trí thành lập một đội điều tra chung để xem xét vụ nhà báo người Jamal Khashoggi mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cho biết, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ có bằng chứng là đoạn băng hình kèm âm thanh cho thấy ông Jamal Khashoggi đã biến mất sau khi vào tòa nhà lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul và đã bị sát hại sau đó. Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ có cả tài liệu về vụ sát hại. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ chưa công bố những bằng chứng này.
Đáp lại, Bộ trưởng Nội vụ Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Saud bin Naif bin Abdulaziz đã lập tức bác bỏ cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng thông tấn chính thức của Saudi Arabia dẫn lời hoàng tử Abdulaziz kịch liệt chỉ trích cáo buộc nói rằng, giới chức Saudi Arabia đã ra lệnh sát hại ông Khashoggi. Theo ông Abdulaziz, đây là lời nói dối và là cáo buộc vô căn cứ. Saudi Arabia vẫn khẳng định, nhà báo Khashoggi đã rời lãnh sự quán Saudi Arabia và nước này mong muốn tìm ra sự thật đằng sau sự mất tích của nhà báo.
Nhà báo Khashoggi, mang hai quốc tịch Saudi Arabia và Mỹ, đã mất tích kể từ ngày 2/10 vừa qua sau khi vào tòa nhà lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Khashoggi được cho là có nhiều bài báo chỉ trích các chính sách của Saudi Arabia can dự vào tình hình chiến sự tại Yemen, vấn đề tự do ngôn luận ở Saudi Arabia. Sự biến mất của ông cùng thông tin về ông bị sát hại đã làm dấy lên phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế và khiến lòng tin của giới đầu tư đối với Saudi Arabia giảm sút.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 12/10 đánh giá vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ là “rất nghiêm trọng”, đồng thời kêu gọi mở một cuộc điều tra về những gì đã xảy ra đối với ông này. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình France 24 và đài phát thanh RFI, Tổng thống Macron nhấn mạnh ông “đang chờ đợi sự thật được làm sáng tỏ”.
“Sự biến mất của nhà báo Khashoggi là rất nghiêm trọng. Chúng tôi đang chờ đợi được biết sự thật và mong muốn vấn đề được làm rõ. Pháp mong muốn vụ việc này được điều tra nhanh chóng”, Tổng thống Pháp Macron nói.
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/10 cho biết, ông chưa nói chuyện với Quốc vương Salman song sẽ sớm gọi điện cho người đứng đầu hoàng gia Saudi Arabia về vụ việc trên.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 12/10 cũng bày tỏ quan ngại về vụ mất tích của nhà báo Khashoggi. Khi được hỏi về mối quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Canada, ông Trudeau cho biết, ông sẽ duy trì áp lực với Saudi Arabia về vấn đề nhân quyền. Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC ngày 13/10, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ quan ngại về sự mất tích của ông Khashoggi. Ông kêu gọi mở cuộc điều tra nhằm làm rõ những quan ngại của cộng đồng quốc tế.
Theo VOV