Thủ tướng Nhật Bản thăm Trung Quốc: Cơ hội "tan băng"

.

Chuyến công du Trung Quốc sắp tới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là cơ hội để Tokyo và Bắc Kinh làm “tan băng” trong quan hệ song phương.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc đã gặp gỡ nhau nhiều lần bên lề các sự kiện quốc tế. Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc đã gặp gỡ nhau nhiều lần bên lề các sự kiện quốc tế. Ảnh: AFP

Quan điểm cứng rắn của ông Shinzo Abe đối với Trung Quốc đã giúp vị chính trị gia này đắc cử Thủ tướng vào năm 2012 giữa lúc Tokyo và Bắc Kinh căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Giờ đây, ông Abe mong muốn hàn gắn quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và được chào đón ở Bắc Kinh trong chuyến công du từ ngày 25 đến 27-10 nhân kỷ niệm 40 năm ký hiệp ước hòa bình và hữu nghị giữa hai nước.

Hãng AFP cho rằng, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang ấm dần ngay thời điểm Mỹ và Bắc Kinh đang xảy ra chiến tranh thương mại.

Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc lao dốc từ năm 2012 vì vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Khi đứng đầu chính phủ, Thủ tướng Abe dần chuyển từ quan điểm cứng rắn sang mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc. Bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông diễn ra ở Nga vào tháng 9 vừa qua, ông Abe bày tỏ mong muốn mời Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Nhật Bản với hy vọng đưa mối quan hệ Tokyo - Bắc Kinh sang “một giai đoạn mới”. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng ủng hộ việc hàn gắn quan hệ với Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại, mở đường cạnh tranh với Mỹ và các đối thủ ở châu Âu.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Còn Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc (sau Mỹ). Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Trung Quốc tăng trong năm 2017, mức tăng lần đầu tiên trong 5 năm và xu hướng này tiếp tục diễn ra trong 8 tháng năm 2018.

Hãng Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản rằng, để bảo đảm đất nước hoa anh đào tăng trưởng kinh tế bền vững, không thể phớt lờ mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc mặc dù một số căng thẳng, bất đồng vẫn còn đó; chẳng hạn Nhật Bản ủng hộ quan ngại của Mỹ về việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, Washington gia tăng “sự hiện diện và hoạt động tại bất cứ khu vực và bất cứ thời điểm nào mà luật pháp quốc tế cho phép” nhằm đối trọng với Bắc Kinh; các công ty Nhật Bản cũng lo lắng về tình trạng Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và đánh cắp công nghệ.

Trong những năm qua, Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp gỡ nhiều lần bên lề các sự kiện quốc tế. Song, chưa một thủ tướng Nhật Bản nào thăm chính thức Trung Quốc kể từ năm 2011 và chưa một chủ tịch Trung Quốc nào thăm Nhật Bản kể từ năm 2010. Cuộc gặp giữa ông Abe và ông Tập Cận Bình vào ngày 26-10 sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2011.

Cũng theo Reuters, phía Trung Quốc kỳ vọng Thủ tướng Abe sẽ tuyên bố ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh - một dự án hạ tầng tham vọng trải dài liên kết hơn 60 nước khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á, châu Phi và châu Âu. Các chuyên gia và quan chức Trung Quốc cho rằng, sự tham gia của Nhật Bản có thể giúp nâng hình ảnh của sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đồng thời xóa quan ngại về “bẫy nợ”. Tuy nhiên, một quan chức thương mại Nhật Bản nói rằng, Tokyo không ủng hộ siêu dự án nói trên.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.
.