Vì sao Mỹ quay lưng với hiệp ước hạt nhân?

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Liên Xô vào năm 1987, đồng thời cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận này, làm dấy lên mối lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới và đẩy thế giới đứng trước những đe dọa vô cùng nguy hiểm.

Hiệp ước INF được đàm phán, ký kết dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nhằm cấm các loại tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500km. Theo đó, gần 2.700 tên lửa tầm ngắn và tầm trung sẽ bị tiêu hủy, dẫn đến chấm dứt tình trạng đối đầu nguy hiểm giữa tên lửa đạn đạo của Mỹ và tên lửa SS-20 của Liên Xô ở châu Âu.

Vậy nguyên nhân nào thúc đẩy chính phủ của Tổng thống Donald Trump phá bỏ INF?

Có thể nói, với chủ trương “nước Mỹ trên hết”, từ khi nắm quyền lãnh đạo, Tổng thống Donald Trump muốn quốc gia của mình là siêu cường duy nhất cả trên lĩnh vực kinh tế lẫn quân sự. Bởi vậy, ông Trump nhanh chóng rút khỏi hàng loạt hiệp định thương mại đa phương mà xét thấy lợi ích nước Mỹ “bị đe dọa”; đồng thời ra “tối hậu thư” với nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các đồng minh thân cận thông qua các biện pháp trừng phạt, hay tăng thuế xuất nhiều mặt hàng chiến lược như thép và nhôm…

Quan hệ giữa Mỹ và Nga cũng rạn nứt nghiêm trọng liên quan đến cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như việc Điện Kremlin ủng hộ chính phủ Syria và vấn đề ở Ukraine… Trên lĩnh vực quân sự, Mỹ coi Nga là nhân tố đối đầu trực tiếp. Thậm chí, Mỹ ban hành đạo luật cấm các nước mua vũ khí của Nga, nếu quốc gia nào vi phạm sẽ bị trừng phạt.

Đặc biệt, việc Mỹ quyết định rút khỏi INF được xem là bước đi “vượt lên ngăn chặn” của Moscow nhằm tiến tới nguy cơ đối đầu quân sự mà “phần thắng sẽ thuộc về Mỹ”, đồng thời cũng nhằm vào Trung Quốc - quốc gia không bị INF ràng buộc và là đối thủ đe dọa vai trò siêu cường của Washington. Vì vậy, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF, các hãng thông tấn nhà nước của Nga dẫn lời một nguồn tin Bộ Ngoại giao nước này cho biết, động thái của Washington được thúc đẩy từ giấc mơ về một siêu cường quốc toàn cầu duy nhất.

Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev - một trong hai “cha đẻ” của INF - đã lên án chính quyền Trump khi cho rằng, “hoàn toàn không thể chấp nhận được khi phá vỡ những thỏa thuận cũ về giải trừ vũ khí”. Ông Gorbachev gọi quyết định của Tổng thống Trump là “sai lầm, sẽ làm tiêu tan mọi nỗ lực mà những nhà lãnh đạo đời trước của Liên Xô và Mỹ đạt được liên quan đến vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân”.

Trong khi đó, chuyên gia Anh Malcolm Chalmers lo ngại đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất về kiểm soát vũ khí hạt nhân kể từ những năm 1980. Nếu INF sụp đổ cùng với Hiệp ước START mới hết hạn, thế giới có thể sẽ lần đầu tiên kể từ năm 1972 chẳng còn giới hạn nào về kho hạt nhân ở các quốc gia sở hữu loại vũ khí này. Trước đây, Washington cũng đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 2001. Không những thế, dư luận quốc tế càng cảm thấy lo ngại hơn khi Moscow có thể sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa.

Có thể nói, việc Mỹ rút khỏi INF đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang, nhất là vũ khí hạt nhân; tiếp tục đẩy nguy cơ đối đầu quân sự giữa các cường quốc lên một cấp độ mới và đó cũng là mối hiểm họa cho cả nhân loại.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ suy nghĩ thấu đáo về quyết định từ bỏ INF và cho rằng hoàn toàn sai khi gắn Bắc Kinh với việc rút khỏi hiệp ước này. Giới phân tích cho rằng, thực chất là Mỹ đang hiện thực hóa chủ trương lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh quân sự và việc ông Trump muốn rút khỏi INF với Nga là điều đã được tiên liệu.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.