Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo “trừng phạt nghiêm khắc” nếu nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lúc đó, Saudi Arabia tuyên bố sẽ trả đũa bất kỳ biện pháp trừng phạt nào.
Người biểu tình trước Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) mang theo chân dung nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: AFP/Getty Images |
Vụ mất tích bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggi khi ông được cho là vào Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 2-10 vừa qua mà không thấy trở ra đang làm mối quan hệ giữa Riyadh và Mỹ, giữa Riyadh và phương Tây căng thẳng, có thể dẫn đến những hành động “ăn miếng trả miếng” nếu quốc gia Trung Đông này bị trừng phạt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ “trừng phạt nghiêm khắc” Saudi Arabia nếu nhà báo Khashoggi bị sát hại trong Lãnh sự quán ở Istanbul. Trả lời phỏng vấn trong chương trình “60 phút” của đài CBS, ông Trump xác nhận, Saudi Arabia sẽ đối mặt với những hệ lụy nếu thực sự liên quan đến vụ biến mất của nhà báo Khashoggi.
Dĩ nhiên, Saudi Arabi không khoanh tay đứng nhìn mà sẽ trả đũa. “Saudi Arabia bác bỏ hoàn toàn tất cả lời đe dọa hay những nỗ lực nhằm làm suy yếu nước này, dù đó là đe dọa áp lệnh trừng phạt kinh tế, gây sức ép chính trị, hay lặp lại những cáo buộc sai trái”, hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia dẫn lời một quan chức nói.
Theo đài truyền hình Al Arabiya của Saudi Arabia, Vương quốc Hồi giáo này đề cập “hơn 30 biện pháp” có thể áp dụng, đồng thời cho rằng những biện pháp này sẽ dẫn đến những hệ lụy lớn bởi Riyadh đóng vai trò quan trọng và có khả năng tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới.
Ngay lập tức, Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung kêu gọi các nhà chức trách Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành điều tra về sự mất tích bí ẩn của nhà báo Khashoggi. Cả London, Paris và Berlin đều xem đây là vụ việc “hết sức nghiêm trọng”.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, nhà báo Khashoggi người Saudi Arabia, sinh sống ở Mỹ đã bị sát hại và thi thể của ông bị chuyển đến một nơi khác.
Tuy nhiên, Saudi Arbia khẳng định ông Khashoggi đã rời Lãnh sự quán an toàn và bác bỏ cáo buộc ông này bị đội đặc vụ của Riyadh sát hại. Riyadh chỉ trích những cáo buộc được đưa ra là “vô căn cứ” nhưng lại không có bằng chứng cho thấy ông Khashoggi rời Lãnh sự quán.
Tuy các bên chưa áp đặt biện pháp trừng phạt lẫn nhau, nhưng theo AP, các lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế hiện rút khỏi diễn đàn đầu tư sắp tới của Saudi Arabia có tên “Sáng kiến Đầu tư tương lai” - sự kiện quan trọng vốn được xem là “Davos ở sa mạc”; trong đó có Chủ tịch hãng xe Mỹ Ford - ông Bill Ford, tỷ phú Anh Richard Branson, Giám đốc điều hành Uber Dara Khosrowshahi, Giám đốc điều hành JP Morgan James Dimon…
Ngày 14-10 (giờ địa phương), chứng khoán Saudi Arabia mất 7% giá trị. Chuyên gia thị trường Mohammed Zidan của sàn giao dịch Thinkmarket ở Dubai cho rằng, việc chứng khoán lao dốc do các nhà đầu tư lo ngại một số nhân tố kinh tế và chính trị xung quanh sự biến mất của nhà báo Khashoggi.
Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo, việc Saudi Arabia bị trừng phạt sẽ dẫn đến thảm họa kinh tế toàn cầu. Ông Turki Aldakhil, Tổng Giám đốc đài truyền hình Al Arbiya nhận định: Khi bị trừng phạt, Saudi Arabia sẽ không thể giữ cam kết sản xuất ít nhất 7,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.
“Nếu mức giá dầu 80 USD/thùng đã khiến Tổng thống Trump nổi giận, không ai có thể bảo đảm giá dầu không nhảy lên 100 USD/thùng, 200 USD/thùng, thậm chí là gấp đôi con số đó”, ông Aldakhil viết.
Theo AP, chưa rõ Saudi Arabia có sẵn sàng giảm sản lượng dầu hay không. Ông Aldakhil còn cho rằng, việc mua bán vũ khí của Saudi Arabia với Mỹ và những giao dịch khác cũng rơi vào tình trạng rủi ro. “Sự thật là nếu Mỹ áp đặt trừng phạt Riyadh, nền kinh tế của Washington cũng chết, mặc dù Mỹ cho rằng chỉ gây tổn hại một mình Riyadh”, ông Aldakhil bình luận.
PHÚC NGUYÊN