Nhà Trắng đã chuẩn bị kịch bản ngay cả trong trường hợp đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6-11 tới.
Nhà Trắng đang lên kế hoạch “quảng bá” Trump như vị cứu tinh của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ngay cả khi đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ Viện.
Chiến dịch vận động rầm rộ
Tổng thống Donald Trump và các đồng minh đã soạn thảo một kế hoạch “cứu vãn thể diện” nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và trở lại nắm thế đa số ở Hạ viện. Đó là đánh bóng tên tuổi ông Trump như vị cứu tinh của đảng Cộng hòa ở Thượng viện.
Ông Trump trong một cuộc vận động ở Charleston cuối tháng 8/2018. Ảnh: AP |
Cả công khai lẫn riêng tư, ông Trump và các cố vấn đang nói đến chiến dịch vận động rầm rộ của Tổng thống cho các ứng viên Cộng hòa tại Thượng viện cũng như Ha Viện và thống đốc bang.
Từ đầu tháng 9 tới cuối tháng 10, ông Trump đã có 19 cuộc vận động cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa tại các bang. Và trong 6 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ 6/11, ông Trump có 11 chiến dịch vận động nữa tại các bang chủ chốt.
Đó là bằng chứng cho thấy không ai khác có thể có ảnh hưởng lớn như ông Trump. Một điều nữa, ông Trump, người đang biến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thành cuộc trưng cầu ý dân về nhiệm kỳ tổng thống của mình, có lịch sử về việc cá nhân hóa những chiến thắng và sau đó sẽ cố tập trung vào nó trong khi “phủi tay” và chuyển hướng chú ý khỏi những thất bại của mình.
Ngay cả ở Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa đang chật vật để đảm bảo thế đa số, thì Nhà Trắng cũng đã bác bỏ bất cứ sự so sánh nào về một làn sóng vận động giữa kỳ của đảng Cộng hòa với các chiến dịch tương tự của đảng Dân chủ dưới thời Tổng thống Barack Obama hay Bill Clinton.
Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 8 tới trước ngày bầu cử 6/11 tới, Tổng thống Trump dành ít nhất 40 ngày để tới các bang vận động tranh cử cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa tranh cử tại cả Hạ viện, Thượng viện và ghế Thống đốc tại các bang.
Cựu Tổng thống Barack Obama khi tại nhiệm đã dành 36 ngày trong những tháng cuối cùng để vận động cho cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010, tuy nhiên sau đó đảng Dân chủ vẫn mất 63 ghế Hạ nghị sỹ và phải trao lại quyền kiểm soát Hạ viện cho đảng Cộng hòa.
Lường trước thất bại ở Hạ viện
Trong lịch sử bầu cử tại Mỹ, kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ thường là tin xấu đối với đảng của Tổng thống đương nhiệm. Trong 21 cuộc bầu cử giữa kỳ được tổ chức kể từ năm 1934, đảng của tổng thống đương nhiệm chỉ 3 lần giành quyền kiểm soát Hạ viện và 5 lần tại Thượng viện.
Cố vấn Tổng thống, ông Kellyanne Conway nói với “Fox và những người bạn” trong tuần này rằng, việc có tới 43 Hạ nghị sỹ Cộng hòa nghỉ hưu là lý do chính khiến GOP (đảng Cộng hòa) nhiều khả năng sẽ mất nhiều ghế ở Hạ viện. Tuy nhiên, bà cho rằng, thất bại được dự đoán trước của GOP tại Hạ viện sẽ khác (nhỏ hơn) so với thất bại tương tự mà các Tổng thống Dân chủ đã từng phải nhận.
“Hiện tại không ai dự đoán đảng Cộng hòa sẽ mất tới 63 ghế ở Hạ viện như thất bại mà Tổng thống Obama đã từng phải nhận lấy trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010, hay 54 ghế mà cựu Tổng thống Clinton từng mất trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên năm 1994 - khi lần đầu tiên trong 40 năm, đảng Cộng hòa nắm thế đa số tại Hạ viện”.
Một bản ghi nội bộ gần đây của Giám đốc chính trị Nhà Trắng Bill Stepien cũng nói về điều tương tự khi nhấn mạnh mục đích của các thành viên Cộng hòa tại Hạ viện trong năm nay là thu nhỏ nhất những thiệt hại của họ.
“Chúng ta làm những gì chúng ta có thể với tình hình hiện nay”, một quan chức Nhà Trắng cho biết khi mô tả bối cảnh cho đảng Cộng hòa tại Hạ viện là “đang rất thách thức”.
Bản thân ông Trump cũng không nói nhiều về kỳ vọng ở Hạ viện trong các bài phát biểu của mình, và thường nhanh chóng chuyển hướng sang nói về Thượng viện. “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm tốt ở Hạ viện. Tất nhiên chúng ta sẽ phải chờ xem. Tôi đã vận động cho rất nhiều ứng cử viên và tỷ lệ ủng hộ giành cho họ đã đi lên”, ông Trump nói với các phóng viên hôm 31/10. Sau đó, ông nói thêm rằng: “Tôi nghĩ chúng tôi thực sự làm cực kỳ tốt ở Thượng viện”.
Cũng không phải hiếm khi các quan chức Nhà Trắng hạ thấp kỳ vọng trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Trước cuộc bầu cử tương tự năm 2010, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Tim Kaine cũng đã từng cảnh báo sớm về một năm “khó khăn” phía trước đối với đảng này.
Đảm bảo chiến thắng ở Thượng viện và kế hoạch tái tranh cử
Nếu đảng Cộng hòa vẫn giành ghế ở Thượng viện, “đó sẽ là tất cả những gì họ sẽ nói đến”, ông Barry Bennett, một cố vấn trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của Trump năm 2016 cho biết.
“Sự thắng thế của đảng Cộng hòa ở Thượng viện tất nhiên sẽ là một cú đòn đối với Bernie Sanders, Elizabeth Warren, Kamala Harris và Cory Booker”, ông Brad Todd, một cố vấn GOP về bầu cử giữa nhiệm kỳ nói, viện dẫn các thượng nghị sỹ Dân chủ thường nổi lên như ứng cử viên tổng thống cho năm 2020. “Các thành viên Dân chủ ở Thượng viện trở thành gương mặt đối lập cho các chương trình của Trump”.
Việc đảm bảo thế đa số ở Thượng viện sẽ đủ ý nghĩa để làm mờ đi sự thắng thế của đảng Dân chủ ở Hạ Viện. “Nếu đảng của Tổng thống có thêm ghế ở Thượng viện, sẽ không ai nói về ‘làn sóng xanh’ nữa”, ông Matt Schlapp một đồng minh của Trump và là Chủ tịch Liên minh Bảo thủ Mỹ nói với Politico.
Nếu có thể đảm bảo được chiến thắng chiến lược, ông Trump sẽ nhanh chóng chuyển vào trạng thái vận động tái tranh cử ngay sau đó và tất nhiên cũng sẽ nhanh chóng tấn công vào những người đối lập trước khi họ có thể bước tới vạch xuất phát.
Thực tế, từ nhiều tháng qua, ông Trump đã bắt đầu để ý tới Warren và Booker, cũng như cựu Phó Tổng thống Joe Biden. “Chiến dịch tái tranh cử đã bắt đầu từ rất lâu rồi, cho dù báo chí và dư luận có nhận thấy rõ điều đó hay không”, một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết.
Theo VOV