Hòa bình vẫn là thách thức của thời đại

Cách đây tròn 100 năm, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã kết thúc bằng việc các bên liên quan chính thức ký Hiệp định đình chiến tại làng Rethondes (Pháp) vào ngày 11-11-1918.

Cuộc chiến tranh này là một trong những sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Đây là cuộc chiến tranh có chiến trường chính bao trùm khắp châu Âu và ảnh hưởng toàn thế giới, lôi kéo tất cả cường quốc châu Âu và Bắc Mỹ vào vòng chiến. Chiến tranh diễn ra không những ác liệt trên bộ, trên không, trên biển mà các bên tham chiến còn bao vây, bóp nghẹt kinh tế lẫn nhau, đánh vào ý chí và bản lĩnh chịu đựng của dân tộc, thử thách tiềm lực kinh tế và sức mạnh tinh thần của đối phương. Không một nước châu Âu nào thật sự chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, tất cả đều chịu tổn hại nặng nề về người và của.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất để lại nhiều hậu quả trước mắt và lâu dài cho các bên liên quan. Cuộc chiến đã làm hơn 19 triệu người thiệt mạng và hàng chục triệu người khác bị tàn phế; các thành phố, làng mạc, đường sá, cầu cống, nhà máy, trường học… bị phá hủy. Số tiền các nước tham chiến chi phí cho chiến tranh lên tới khoảng 85 tỷ USD theo thời giá lúc bấy giờ.

Không những thế, cuộc chiến tranh còn gây nên sự hãi hùng lâu dài về tâm lý cho cả châu Âu, gây ra một thế hệ bị mất mát của “lục địa già”. Chính cuộc chiến này làm châu Âu tụt hậu, mất đi vai trò lãnh đạo văn minh nhân loại mà châu lục này đã đảm đương trong hơn 300 năm và dần chuyển vai trò đó cho Mỹ.

Nhân 100 năm sự kiện trọng đại này, từ ngày 4 đến 11-11, Pháp tổ chức hàng loạt hoạt động kỷ niệm. Theo đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thành phố cảng Strasbourg và tham dự buổi hòa nhạc ở Nhà thờ Gothic nhằm kỷ niệm tình bằng hữu giữa hai cựu thù thời chiến Pháp và Đức, đồng thời bày tỏ mong muốn không để tấn thảm kịch tái diễn. Ông Macron còn có chuyến công du 6 ngày qua 11 tỉnh địa đầu trong cuộc chiến 1914-1918, nơi từng bị chiến tranh tàn phá tại khu vực ở miền bắc và miền đông nước Pháp, thăm các chiến hào của mặt trận phía tây từ Verdun đến Somme; tham dự nhiều lễ kỷ niệm với các nhà lãnh đạo Đức, Anh và Mali… Ngày 10-11, ông Macron sẽ đến thăm làng Rethondes, nơi diễn ra lễ ký Hiệp định đình chiến và gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Đặc biệt, trọng tâm của sự kiện kỷ niệm 100 năm Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc là lễ tưởng niệm chính diễn ra tại Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris vào ngày 11-11, với sự tham gia của khoảng 80 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump…

Đáng chú ý, Pháp không tổ chức diễu binh. Sau lễ kỷ niệm chính, các lãnh đạo thế giới sẽ tham dự Diễn đàn Paris về hòa bình kéo dài trong 3 ngày, do Bộ Ngoại giao Pháp bảo trợ.

Có thể nói, trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến động khó lường không có lợi cho hòa bình, phát triển; hợp tác quốc tế đang bị thách thức nghiêm trọng và thu hẹp do sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương; những rủi ro địa chính trị đang gia tăng nhanh chóng, việc Pháp tổ chức Diễn đàn Paris về hòa bình là cơ hội tốt cho các nhà lãnh đạo, các tổ chức quốc tế, các nhà hoạt động chính trị, dân sự, khoa học... gặp nhau để bày tỏ quan điểm, đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm giải quyết các thách thức của thời đại.

Phát biểu với báo chí vào cuối tháng 8-2018, Tổng thống Macron nêu rõ: “Diễn đàn Paris về hòa bình lần thứ nhất vào ngày 11-11 là dịp để chúng ta suy nghĩ về phương thức tổ chức thế giới, để nhấn mạnh rõ ràng trách nhiệm tập thể của chính chúng ta, những người phải biết rõ hơn những thế hệ trước đây về điều gì khiến nhân loại phải khổ đau trong quá khứ và còn có thể gây ra mất mát cho nhân loại trong tương lai”.

Điều đó cho thấy, hòa bình vẫn là một thách thức mang tính thời đại, là khát vọng lớn lao của nhân loại tiến bộ, dù bài học đau thương về Chiến tranh thế giới lần thứ nhất cách đây tròn 100 năm vẫn còn nguyên giá trị.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.