Khủng hoảng ở eo biển Kerch: Nguyên nhân do đâu?

.

Việc các tàu tuần tra biên giới của Nga tấn công và bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng ở eo biển Kerch?

Nhìn lại lịch sử cho thấy, sự tan rã của Liên bang Xô Viết năm 1991 dẫn đến căng thẳng giữa Nga và Ukraine chung quanh quy chế của Hạm đội Biển Đen và các căn cứ quân sự tại Crimea.

Trong khi đó, eo biển Kerche bị chặn bởi đại lục Nga ở phía đông và bán đảo Crimea ở phía tây. Đây là cửa ngõ đường biển duy nhất thông giữa biển Azov và Biển Đen. Hoạt động lưu thông qua eo biển Kerch có ý nghĩa sống còn với các thành phố cảng lớn nằm bên bờ biển Azov.

Eo biển Kerch trở thành điểm nóng tranh chấp pháp lý và chính trị căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Kiev đơn phương thiết lập một đường ranh giới tại eo biển này vào năm 1999 và có nhiều động thái nhằm tuyên bố một số khu vực thuộc biển Azov là vùng nội thủy.

Nga đối phó lại bằng cách xây dựng con đập từ đất liền nối với đảo Tuzla nằm giữa eo biển Kerch mà Ukraine tuyên bố sở hữu. Những nỗ lực liên tiếp của Nga nhằm kiểm soát eo biển Kerch vấp phải sự phản kháng của Ukraine, hai nước suýt rơi vào xung đột quân sự trước sự kiện Crimea năm 2014.

Tháng 12-2003, Nga và Ukraine chính thức ký hiệp định hợp tác sử dụng biển Azov và eo biển Kerch, xác định đây là vùng nội thủy của hai nước. Do đó, các tàu thương mại, tàu chiến cùng các loại tàu thuyền khác của Liên bang Nga hoặc Ukraine đều được hưởng quyền tự do hàng hải tại đây. Hiệp định cũng khẳng định mọi tranh cãi liên quan phải được giải quyết bằng đàm phán và thương lượng, cũng như các giải pháp hòa bình khác.

Sau khi Crimea được sáp nhập trở lại vào Nga năm 2014, Moscow xây dựng cây cầu ngang qua eo biển Kerch, nối bán đảo Crimea với đại lục Nga. Ukraine phản ứng quyết liệt như đơn phương kiện Nga ra tòa án ở Hà Lan… Ukraine cũng từng bước tăng cường sự hiện diện quân sự trên biển Azov, nơi giới quan sát cho rằng có thể là chiến trường mới của xung đột giữa hai nước.

Có thể nói, trong lúc khủng hoảng ở Donbass chưa có hồi kết và Ukraine ngày càng rời bỏ hợp tác với Nga, vụ đụng độ vào ngày 25-11 càng làm mối quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng.

Vụ việc lần này không chỉ đơn thuần là căng thẳng giữa Nga và Ukraine ở Biển Đen, mà sâu xa hơn còn là cuộc đối đầu âm ỉ giữa Nga với phương Tây liên quan tới xung đột ở miền đông Ukraine, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea cũng như một số vấn đề khác như cuộc chiến ở Syria, vai trò của Moscow trên trường quốc tế...

Trong khi đó, chính trường của Ukraine khá rối ren trước thềm bầu cử tổng thống vào tháng 3-2019. Hầu hết thăm dò dư luận gần đây cho thấy, uy tín của Tổng thống Petro Poroshenko sụt giảm. Nhiều yếu tố khiến ông Poroshenko khó lòng giữ ghế như: thỏa thuận Minsk đình trệ, khó khăn kinh tế kéo dài, nạn tham nhũng tràn lan…

Lựa chọn được xem khả quan nhất của Tổng thống Poroshenko lúc này là làm dư luận trong nước chú ý rằng Nga là nguyên nhân khiến nền kinh tế Ukraine gặp khó khăn, hay cuộc xung đột ở Donbass, sự an toàn ở vùng Biển Đen…

Cách tốt nhất là tạo ra biến cố với nước láng giềng để gia tăng uy tín trong nước và tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng minh phương Tây. Mặt khác, ông Poroshenko cũng muốn thể hiện mình ít nhất cũng là một tổng thống “thời chiến” với những quyết đoán mạnh mẽ, triệt để hơn.

Vì vậy, ngay sau sự kiện ở eo biển Kerch 1 ngày, Ukraine đã ban bố tình trạng chiến tranh với Nga trên toàn quốc, theo đề nghị của Tổng thống Poroshenko.

Song, phương Tây chưa muốn, hoặc không muốn đẩy sự kiện ở eo biển Kerch thành cuộc xung đột vũ trang giữa Nga với Ukraine và có thể lan rộng ra toàn châu Âu, mà lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế.

Dư luận đang chờ xem tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin về sự kiện eo biển Kerch, cũng như các động thái tiếp theo của Ukraine và phương Tây. Cuộc gặp Nga - Mỹ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina có diễn ra hay không vẫn là một câu hỏi bởi Tổng thống Donald Trump tuyên bố có thể hủy bỏ sự kiện này. 

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.