Tổng thống Mỹ tìm "cái bắt tay" với châu Âu

.

Chuyến công cán đến Paris của Tổng thống Mỹ Donald Trump để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất cho thấy sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: AP

Hãng Bloomberg cho rằng, đối với Tổng thống Donald Trump, việc tham dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất do Pháp chủ trì tại thủ đô Paris để khẳng định giá trị của sự gắn kết giữa các đồng minh và sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc xem ra không dễ dàng.

Ông đã rời sân bay Orly, trở về nước vào ngày 11-11. Việc ông muốn tìm “những cái bắt tay” với đồng minh châu Âu để đương đầu với những thách thức an ninh toàn cầu, như Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhắc đến trước đó, dường như không đạt kết quả tốt đẹp.

Những ngày cuối tuần ở Paris, các đồng minh châu Âu của Mỹ trải qua bầu không khí căng thẳng xung quanh việc Tổng thống Trump quyết định rút khỏi Hiệp định các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga được ký kết năm 1987 vốn giữ “lục địa già” khỏi “tầm ngắm” của tên lửa hạt nhân trong hơn 30 năm qua.

Theo Bloomberg, các nước châu Âu cũng quan ngại về mức độ tin cậy các cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, “nạn nhân chính” khi Mỹ rút khỏi Hiệp định INF là “châu Âu và an ninh của châu Âu”.

Khi vừa đến Paris, Tổng thống Trump bắt đầu những ngày ngoại giao của mình bằng việc viết trên Twitter chỉ trích người đồng cấp Pháp Macron xung quanh phát biểu của ông chủ điện Élysée về việc xây dựng đội quân châu Âu thực thụ để phòng vệ trước Mỹ và những kẻ thù tiềm tàng khác.

Ông Trump cho rằng, phát biểu của ông Macron “rất xúc phạm” và châu Âu trước hết nên chi trả những khoản đóng góp công bằng của họ cho Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - tổ chức mà Mỹ đang phải trợ cấp khá lớn.

Nhà lãnh đạo Mỹ vốn không hài lòng khi các thành viên NATO không chi trả đủ 2% GDP quốc gia cho ngân sách của NATO và Washington vô hình trung phải gánh chi tiêu quốc phòng cho các nước khác.

Trong lễ tưởng niệm chính thức vào ngày 11-11, Tổng thống Macron dường như nhắm đến chính sách “nước Mỹ trên hết” khi nhấn mạnh: “Chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội với lòng yêu nước. Bằng cách nói “đặt lợi ích của ta lên trên hết, không quan tâm đến người khác”, chúng ta đã đánh mất điều quan trọng nhất mà một quốc gia cần nắm giữ…, đó là giá trị đạo đức”.

Hãng AP cho rằng, với Tổng thống Trump, khi ở Paris, “nước Mỹ trên hết” nghĩa là nước Mỹ hầu như đứng một mình. Hãng tin này cũng nhận định: Trong lễ kỷ niệm nói trên, ông Trump - người vốn tự hào tuyên bố mình theo chủ nghĩa dân tộc - đang tách biệt với châu Âu, nơi chủ nghĩa dân túy đang gia tăng mạnh mẽ.

Chính sách “nước Mỹ trên hết” đang làm mất lòng các đồng minh châu Âu, khi ông Trump áp thuế quan đối với Liên minh châu Âu (EU), rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Không những thế, ông Trump còn dọa sẽ rút khỏi NATO nếu các thành viên khối này không gia tăng đóng góp quốc phòng…

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương rạn nứt, dù châu Âu dù bất đồng với Mỹ trong nhiều vấn đề nhưng cũng không thể tránh khỏi tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của cường quốc hàng đầu thế giới.

Ở châu Á, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định không tham dự diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Papua New Guinea trong tháng 11 này và các sự kiện do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chủ trì ở Singapore. Điều này cũng làm gia tăng quan ngại về những cam kết của Mỹ đối với các đồng minh ở khu vực. 

THIÊN BÌNH 

;
.
.
.
.
.
.