Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12-6.
1. Chuyển động bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên
Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12-6. Ảnh: AP |
Bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên được đánh dấu bằng cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 27-4 tại khu phi quân sự, sau đó là hai cuộc gặp vào ngày 16-5 và 18-9, mở ra triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Đáng chú ý là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào ngày 12-6 tại Singapore với cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã xoay chuyển tình thế từ chỗ bên bờ vực chiến tranh sang đối thoại và hòa hoãn, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng. Song, tiến trình phi hạt nhân hóa sau Tuyên bố Mỹ - Triều vẫn diễn ra chậm chạp, ít tiến triển, thậm chí bế tắc.
Triều Tiên muốn được nới lỏng các biện pháp trừng phạt để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa thực sự, trong khi Mỹ yêu cầu các biện pháp cụ thể hơn của Bình Nhưỡng trước khi Washington có sự nhượng bộ lớn.
2. CPTPP được ký kết và có hiệu lực
Đại diện 11 nước thành viên CPTPP bày tỏ sự đoàn kết sau khi ký hiệp định tại Chile. Ảnh: Reuters |
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết vào ngày 9-3 tại Santiago (Chile) và thực thi từ tháng 1-2019, với 11 nước tham gia, trong đó có Việt Nam, mặc dù Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này.
Khi được thực thi đầy đủ, CPTPP bao gồm thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu. Việc CPTPP ra đời được coi là bước tiến lớn, tạo cầu nối hội nhập cho các nền kinh tế ở hai bên bờ Thái Bình Dương, giúp vượt qua những thách thức của chủ nghĩa bảo hộ.
3. Mỹ - Trung căng thẳng về thương mại
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động đến nền kinh tế thế giới. Ảnh: BBC |
Mỹ dùng thuế quan để tuyên chiến thương mại với Trung Quốc, kéo theo những đòn “ăn miếng trả miếng” liên tiếp, không những khiến mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới căng thẳng, mà còn tác động mạnh đến các hoạt động thương mại, kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu. Triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 và 2019 là những bức tranh ảm đạm.
90 ngày “ngừng chiến” được đưa ra vào cuối tháng 11 tạm “hạ nhiệt” căng thẳng nhưng chưa rõ điều gì sẽ xảy ra trong năm 2019, khi Mỹ và Trung Quốc đều hướng đến những mục tiêu sâu xa hơn: cạnh tranh khốc liệt về công nghệ.
Việc Canada bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính tập đoàn Huawei của Trung Quốc Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ cũng được cho là liên quan cuộc chạy đua giữa Washington và Bắc Kinh trong lĩnh vực công nghệ.
4. Khủng hoảng quan hệ Nga và Mỹ, phương Tây
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Ảnh: Getty Images |
Vụ điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc ở Anh hồi tháng 3 làm trầm trọng thêm mối quan hệ Nga - phương Tây. Giới chức Anh cho rằng, chất độc thần kinh Novichok loại A234 do Liên Xô sản xuất được dùng trong vụ đầu độc nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra được bằng chứng thuyết phục.
Chung quanh vụ đụng độ giữa hải quân Nga và Ukraine ở eo biển Kerch hồi tháng 11, quan hệ Nga - phương Tây càng thêm căng thẳng với những tuyên bố đe dọa và chỉ trích lẫn nhau. Ukraine và Mỹ “tố” Nga triển khai lực lượng quân sự gồm các máy bay vận tải Ilyushin-76 và một tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 đến căn cứ không quân Dzhankoi ở Crimea sau vụ bắt tàu Ukraine.
Đến tháng 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và cảnh báo không gia hạn hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới, làm dấy lên căng thẳng với Nga.
Các nước châu Âu thuộc NATO không muốn INF bị phá vỡ, nhưng thay vì gây áp lực để ông Trump hủy bỏ quyết định thì lại buộc Nga tuân thủ hiệp ước. Tháng 2-2019 có thể là thời điểm Mỹ chính thức rút khỏi INF.
5. Anh - EU đạt thỏa thuận Brexit
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Brussels (Bỉ) ngày 25-11. Ảnh: Reuters |
Sau 17 tháng đàm phán khó khăn, ngày 25-11, Liên minh châu Âu (EU) ký thỏa thuận lịch sử để Anh rút khỏi khối này. Theo đó, EU muốn thiết lập mối quan hệ gần gũi nhất có thể với nước Anh thời hậu Brexit.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt với không ít khó khăn trong việc thuyết phục các nghị sĩ trong nước thông qua thỏa thuận nói trên vào tháng 1-2019 giữa lúc các đảng kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà. Nếu rời EU vào ngày 29-3-2019 mà không có thỏa thuận, Anh sẽ trở thành một nước thứ 3 đối với EU và luật pháp EU sẽ ngừng áp dụng tại xứ sở sương mù.
6. Saudi Arabia vướng khủng hoảng Jamal Khashoggi
Cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi khiến Saudi Arabia đối mặt với nhiều sóng gió. Ảnh: AP |
Cái chết của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán nước này ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào đầu tháng 10 khơi mào khủng hoảng ngoại giao giữa Riyadh với các đồng minh phương Tây, ảnh hưởng đến uy tín của Vương quốc này và Thái tử Mohammad bin Salman.
Nghị quyết của Thượng viện Mỹ yêu cầu Thái tử Mohammad phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhà báo Khashoggi làm mối quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh nổi sóng. Tuy nhiên, nghị quyết này đi ngược lại với quan điểm của Tổng thống Donald Trump và có thể bị ông chủ Nhà Trắng phủ quyết.
7. Phong trào “áo vàng” lan rộng ở Pháp
Phong trào “áo vàng” gây sức ép lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: AFP |
Phong trào “áo vàng” (Gilets Jaunes) bất ngờ bùng phát và lan rộng nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu của chính phủ khiến nước Pháp chao đảo. Làn sóng biểu tình bộc lộ sự phân hóa sâu sắc về kinh tế, xã hội, buộc chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron phải nhượng bộ.
Sau hơn 1,5 năm theo đuổi cải cách, Tổng thống Macron đứng trước thách thức lớn nhất trong sự nghiệp chính trị: một Paris tan hoang sau những cuộc bạo loạn chưa từng có trong nhiều thập niên; một phong trào “áo vàng” tự phát và khó chấm dứt; tỷ lệ ủng hộ ông tụt dốc thảm hại…
8. 164 quốc gia ký Hiệp ước Di cư toàn cầu
Những người di cư từ Trung Mỹ đến Irapuato thuộc bang Guanajuato, Mexico.Ảnh: AP |
Hiệp ước quốc tế đầu tiên về quản lý khủng hoảng di cư được 164 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) ký kết vào ngày 10-12 tại Maroc sau 18 tháng tranh luận và đàm phán. Dù hiệp ước không có tính ràng buộc pháp lý nhưng đây là nỗ lực của LHQ nhằm tạo khuôn khổ và lộ trình để thúc đẩy các nỗ lực phối hợp chung và toàn diện ở cấp quốc tế, trấn áp các hoạt động di cư trái phép và nguy hiểm xuyên biên giới.
Song, hiệp ước vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi. Mỹ là quốc gia đầu tiên rút khỏi hiệp ước; các nước tiếp theo là Áo, Úc, Chile, Cộng hòa Czech, Ý, Hungary, Ba Lan, Latvia, Slovakia và Cộng hòa Dominica.
Trong khi đó, Mỹ đối mặt với khủng hoảng chưa từng có ở khu vực biên giới khi dòng người di cư đông kỷ lục từ các nước Trung Mỹ ào ạt đổ về biên giới Mexico - Mỹ mang theo “giấc mơ Mỹ”.
9. Facebook rò rỉ thông tin của 50 triệu người
Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg điều trần tại Quốc hội Mỹ giữa vòng vây của báo giới. Ảnh: Reuters |
Việc Facebook để lộ thông tin của 50 triệu người dùng gây chấn động toàn cầu nhưng tập đoàn này chỉ bị phạt hơn 600.000 USD. Thông tin của khoảng 50 triệu người bị chia sẻ trái phép cho công ty Cambridge Analytica nhằm sử dụng cho mục đích thương mại và chính trị. Facebook đã tiến hành hàng loạt cải tổ, ngăn lạm dụng thông tin người dùng và thông báo đến người dùng khi thông tin cá nhân của họ bị sử dụng sai trái.
10. Indonesia liên tiếp chịu thảm họa
Trận động đất kèm sóng thần ở Palu làm hơn 2.200 người chết. Ảnh: Getty Images |
Hàng loạt trận động đất liên tiếp xảy ra: hai trận động đất ở đảo Lombok vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 làm hơn 400 người chết; động đất kèm sóng thần vào ngày 28-9 tại thành phố Palu thuộc đảo Sulawesi làm hơn 2.200 người chết và đợt sóng thần cao đến 3m do núi lửa Anak Krakatoa phun trào ngày 22-12 tại eo biển Sunda cướp đi sinh mạng của hơn 430 người.
Giới chức Indonesia đang đi tìm lý do không thể phát hiện và đưa ra cảnh báo sóng thần, đồng thời dành một khoản ngân sách quốc gia năm 2019 để nâng cấp và mua mới hệ thống cảnh báo sớm động đất, sóng thần.
Cuối tháng 10, chiếc máy bay của hãng hàng không Lion Air chở 189 người bất ngờ rơi khi vừa cất cánh từ sân bay Jakarta. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.