Dự án kết nối giao thông liên Triều: Gặp khó vì lệnh trừng phạt

.

Lễ động thổ tượng trưng dự án liên Triều hiện đại hóa và tái kết nối đường bộ, đường sắt qua khu vực biên giới tiếp tục là bước đột phá trong mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Song, việc xây dựng không thể bắt đầu trong lúc các lệnh trừng phạt vẫn được áp dụng với Bình Nhưỡng.

Chuyến tàu của Hàn Quốc chở một phái đoàn đến nhà ga Panmun tại thị trấn biên giới Kaesong (Triều Tiên) ngày 26-12.  Ảnh: Yonhap
Chuyến tàu của Hàn Quốc chở một phái đoàn đến nhà ga Panmun tại thị trấn biên giới Kaesong (Triều Tiên) ngày 26-12. Ảnh: Yonhap

Hãng AP cho biết, lễ động thổ mang tính biểu tượng dự án hiện đại hóa và tái kết nối đường bộ, đường sắt xuyên biên giới liên Triều diễn ra vào ngày 26-12. Chuyến tàu đặc biệt của Hàn Quốc chở khoảng 100 quan chức chính phủ, nghị sĩ và những người bị chia tách gia đình trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 đã đến nhà ga Panmun tại thị trấn biên giới Kaesong (Triều Tiên) tham gia sự kiện này. Các phái đoàn của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc, Nga và Mông Cổ cũng có mặt. Nếu Hàn Quốc kết nối đường sắt với Triều Tiên, nước này sẽ tham gia vào mạng lưới đường sắt kết nối trực tiếp với Trung Quốc, Nga và Mông Cổ.

Việc khởi công dự án được thực hiện theo thỏa thuận mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thống nhất trong 2 lần hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4 và tháng 9 vừa qua; đồng thời là một trong hàng loạt giải pháp nhằm khôi phục mối quan hệ sóng gió giữa hai miền. Sự kiện này cũng đánh dấu bước khởi đầu của kế hoạch đầy tham vọng: liên kết đường sắt liên Triều với đường sắt xuyên Siberia nhằm hiện thực hóa tuyến đường vận chuyển từ bán đảo Triều Tiên sang châu Âu.

Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc mô tả động thái khởi công chỉ là biểu hiện cam kết, còn việc thực hiện dự án phụ thuộc vào tiến trình phi hạt nhân hóa của CHDCND Triều Tiên và các tình huống liên quan đến lệnh trừng phạt. Song, Thứ trưởng Bộ Đường sắt Triều Tiên Kim Yun Hyok nhắc lại lập trường của Bình Nhưỡng rằng, Seoul nên ngừng ủng hộ quan điểm của Mỹ trong việc duy trì lệnh trừng phạt nhằm gây sức ép buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Các quan chức Hàn Quốc cũng xác nhận, việc thi công không thể bắt đầu trong lúc Triều Tiên vẫn bị trừng phạt. Hai miền đang lập kế hoạch khảo sát chi tiết làm cơ sở để thi công chính thức. Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và giao thông Hàn Quốc Kim Hyun-mee ước tính công tác chuẩn bị có thể mất từ 1-2 năm. “Hôm nay, tuyến đường sắt từ Seoul đi Kaesong được mở ra. Chúng ta đã tiến thêm một bước, mở cánh cửa vốn đóng kín gần 70 năm”, bà Kim Hyun-mee nói.

Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đồng ý miễn trừ các biện pháp trừng phạt để cho phép hai miền Triều Tiên tổ chức lễ khởi công mang tính biểu tượng này. Theo hãng AFP, Tổng thống Moon Jae-in luôn cho rằng, cải thiện quan hệ, thúc đẩy phát triển kinh tế thịnh vượng giữa hai miền là nền tảng vững chắc cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, qua đó thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên - một tiến trình đang được cho là ít có tiến triển. Theo Reuters, ông Kim Jong-un có thể sẽ sử dụng hệ thống tàu cao tốc để thực hiện chuyến thăm Hàn Quốc sắp tới.

Từ tháng 12-2007, hai miền bắt đầu dịch vụ vận chuyển hàng hóa giữa nhà ga Munsan ở Paju (Hàn Quốc) và nhà ga Panmun (Triều Tiên) nhằm ủng hộ các hoạt động tại nhà máy chung ở Kaesong. Hàn Quốc dùng tàu hỏa để vận chuyển các vật liệu xây dựng cho miền bắc, áo quần và giày sản xuất tại nhà máy Kaesong được chuyển cho miền nam. Tuy nhiên, dịch vụ này ngừng vào tháng 11-2008 do căng thẳng chung quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Nhà máy Kaesong cũng đóng cửa dưới chính phủ đảng Bảo thủ Hàn Quốc vào tháng 2-2016 sau một vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng.

"Tuyến đường sắt sẽ không chỉ làm giảm thời gian và lộ trình, mà còn giảm khoảng cách giữa những trái tim của miền nam và miền bắc”
 
Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và giao thông Hàn Quốc Kim Hyun-mee
Sách Trắng do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự kiến phát hành vào tháng 1-2019 sẽ bỏ những cụm từ mang tính đối địch với Triều Tiên, thay vào đó là nội dung mang tính hợp tác.

THIÊN BÌNH 

;
;
.
.
.
.
.