Ngày 27-12, Indonesia nâng mức cảnh báo đối với núi lửa Anak Krakatau ở eo biển Sunda giữa các đảo Java và Sumatra lên cấp 3, cấp độ cao thứ 2 trong thang cảnh báo; đồng thời thiết lập vùng cấm hoạt động trong phạm vi 5km sau khi núi lửa này phun trào gây ra thảm họa sóng thần, làm ít nhất 430 người chết.
Người phát ngôn Cơ quan Thảm họa quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết: “Hoạt động của núi lửa Anak Krakatau trên eo biển Sunda tiếp tục tăng. Vì thế, mức cảnh báo được nâng từ mức 2 (cảnh báo) lên mức 3 (chuẩn bị sẵn sàng)”. Cơ quan này cũng yêu cầu người dân và du khách không có hoạt động gì trong bán kính 5km từ đỉnh núi lửa và khuyến cáo người dân tránh xa khu vực 500m-1km từ bờ biển nhằm đề phòng nguy cơ sóng thần.
Trong khi đó, theo Reuters, cơ quan kiểm soát không lưu AirNav của Indonesia nâng mức cảnh báo từ màu cam lên màu đỏ - mức cao nhất, chuyển hướng các chuyến bay qua Anak Krakatau do bụi phun từ núi lửa này. Song, các chuyến bay nội địa và quốc tế tại sân bay Sukarno-Hatta ở thủ đô Jakarta không bị ảnh hưởng.
Tính đến ngày 27-12, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa sóng thần lên tới ít nhất 430 người, gần 1.500 người khác bị thương và 159 người vẫn mất tích. Nhiều nạn nhân có thể đang bị vùi lấp trong đống đổ nát. Gần 22.000 người phải rời nhà đi lánh nạn.
Đội cứu hộ Indonesia đang tăng cường công tác tìm kiếm tại khu vực hẻo lánh trên bờ biển phía tây Java. Mưa lớn cản trở những đoàn xe chở máy móc hạng nặng và viện trợ đến các khu vực bị cô lập. Do vậy, trực thăng được điều động để triển khai công tác đánh giá và sơ tán người dân.
Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý (BMKG) cho biết, thời tiết khắc nghiệt có thể khiến miệng núi lửa dễ phun trào hơn. “Chúng tôi đã phát triển một hệ thống giám sát tập trung đặc biệt vào các chấn động núi lửa tại Anak Krakatau để có thể đưa ra cảnh báo sớm”, người đứng đầu BMKG Dwikorita Karnawati cho biết.
THƯ LÊ