Tổng thống Donald Trump đã dùng chuyến công du chớp nhoáng đến Iraq để bảo vệ quyết định rút quân khỏi Syria và tuyên bố kết thúc vai trò “cảnh sát toàn cầu” của Mỹ. Song, Washington không có kế hoạch rút quân khỏi Iraq.
Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania chụp ảnh với các binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Al-Asad. Ảnh: Reuters |
Chuyến công du bất ngờ và bí mật của Tổng thống Donald Trump cùng đệ nhất phu nhân Melania trong 3 tiếng đồng hồ đến căn cứ không quân Al-Asad ở phía tây Iraq diễn ra vào tối 26-12 (giờ địa phương). Ông nói chuyện với khoảng 100 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt của Mỹ và có những cuộc gặp riêng rẽ với các lãnh đạo quân đội. Song, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Mỹ chỉ điện thoại cho Thủ tướng Iraq Adel Abdel Mahdi và mời ông đến thăm Washington.
Sau gần 2 năm tiếp quản Nhà Trắng, đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump thăm căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông, điều mà những người tiền nhiệm G.W.Bush và Barack Obama vẫn thường làm kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.
Hãng AFP cho biết, tại căn cứ Al-Asad, ông Trump nói rằng, Mỹ không có kế hoạch rút quân khỏi Iraq và sẽ sử dụng quốc gia này làm căn cứ quân sự để tiến hành chiến dịch tại nước láng giềng Syria cũng như đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông bảo vệ chính sách “nước Mỹ trên hết” trong việc rút khỏi các liên minh đa quốc gia vốn đang có mặt trong “các cuộc chiến tranh tưởng như không có hồi kết” ở Trung Đông. “Thật không công bằng khi mọi gánh nặng đều dồn lên chúng ta”, ông chủ Nhà Trắng nói, đồng thời nhấn mạnh Mỹ đã chiến đấu ở các nước khác vì chính những nước đó quá lâu và Washington không thể tiếp tục đóng vai trò “cảnh sát toàn cầu”. “Chúng ta không muốn tiếp tục bị các nước khác lợi dụng để bảo vệ họ. Họ không trả tiền cho điều đó”, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh.
Tổng thống Trump nêu lý do rút 2.000 binh sĩ khỏi Syria vì quân đội Mỹ đã đánh bại IS ở quốc gia Trung Đông này và cả ở Iraq. IS vốn kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria, được cho là đang phải tìm nơi trú ẩn.
Nhiều nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa và Dân chủ chỉ trích ông Trump chung quanh chính sách về Syria vì cho rằng cuộc chiến chống IS vẫn chưa kết thúc, việc rút quân sẽ gây khó cho các đồng minh. Một trong những người chỉ trích gay gắt chủ trương này là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Tuần trước, ông Mattis đệ đơn từ chức, đưa ra thời hạn ra đi vào cuối tháng 2-2019 nhưng “sếp” Trump yêu cầu ông này rời cương vị vào ngày 1-1-2019.
Theo Reuters, Tổng thống Trump luôn xây dựng hình ảnh bản thân là người ủng hộ quân đội Mỹ, nhưng sau gần 2 năm nhậm chức, ông chưa đến thăm các binh sĩ Mỹ tại vùng chiến sự.
Trong khi đó, các lãnh đạo chính trị và quân sự của Iraq cho rằng, chuyến công du của Tổng thống Trump vi phạm chủ quyền của quốc gia Trung Đông này. Các nghị sĩ Iraq cũng cho hay, cuộc gặp giữa ông Trump và Thủ tướng Mahdi bị hủy do những bất đồng về lộ trình của người đứng đầu Nhà Trắng.
Ông Sabah al Saadi, lãnh đạo khối Nghị viện Islah, kêu gọi phiên họp khẩn của Quốc hội để bàn thảo về việc vi phạm chủ quyền và ngừng “những hành động hung hăng” của ông Trump. Ông Saadi muốn Tổng thống Mỹ biết giới hạn rằng, sự chiếm đóng của Washington ở Iraq đã kết thúc. Khối Bina, đối thủ của khối Islah tại Quốc hội, do ông Hadi al-Amiri dẫn đầu cũng phản đối chuyến công cán nói trên.
Trong một tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Mahdi cho hay, ngay trước thời điểm diễn ra chuyến công du, giới chức Mỹ đã thông báo với các nhà lãnh đạo Iraq. Song, thay vì gặp trực tiếp, Thủ tướng Iraq và Tổng thống Mỹ có cuộc điện đàm. Lý do được đưa ra là ông Trump đề nghị gặp nhà lãnh đạo Iraq tại căn cứ Al-Asad nhưng ông Mahdi không đồng ý. Các nghị sĩ khối Bina cho rằng, chuyến thăm đặt ra nhiều câu hỏi về bản chất của sự hiện diện quân đội Mỹ cũng như mục tiêu thật sự của lực lượng này và những mục tiêu đó có thể tác động như thế nào đến an ninh của Iraq.
Kể từ khi IS hứng chịu hàng loạt thất bại vào năm ngoái, không xảy ra vụ bạo lực quy mô lớn nào tại Iraq, nơi có 5.200 binh sĩ Mỹ tham gia huấn luyện và cố vấn cho lực lượng nước sở tại trong cuộc chiến chống lại các chiến binh thánh chiến.
PHÚC NGUYÊN