Mỹ - Nga lại căng thẳng vì hiệp ước hạt nhân

.

Mỹ ra “tối hậu thư” buộc Nga trong 60 ngày phải tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Tuy nhiên, Nga cho rằng, Washington không có bằng chứng cho thấy Moscow vi phạm hiệp ước này.

Các ngoại trưởng NATO nhóm họp tại Brussels (Bỉ).						Ảnh: AP
Các ngoại trưởng NATO nhóm họp tại Brussels (Bỉ). Ảnh: AP

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 10 vừa qua tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF không những làm dấy lên căng thẳng với Nga mà còn gây lo ngại cho các nước khác về một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm. Nay Mỹ ra “tối hậu thư” buộc Nga trong 60 ngày phải tuân thủ INF trở lại, nếu không Washington sẽ rút khỏi hiệp ước này và bắt đầu quá trình kéo dài 6 tháng để hủy bỏ hiệp ước.

Hãng AFP cho biết, “tối hậu thư” được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tại cuộc họp các ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ) vào ngày 4-12 với thông điệp: Trong vòng 60 ngày, Washington sẽ chấm dứt nghĩa vụ đối với hiệp ước được ký năm 1987 như một biện pháp khắc phục trừ khi Nga trở lại “tuân thủ hoàn toàn và có thể kiểm chứng”.

Mỹ chia sẻ các chứng cứ từ nguồn tin tình báo với các đồng minh NATO về việc Nga đã phát triển hệ thống tên lửa SSC-8, được biết đến là tên lửa hành trình tầm trung Novator 9M729. Theo đó, loại tên lửa này có thể giúp Nga tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân ở châu Âu rất nhanh ngay sau khi ra thông báo.

Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao Nga cho rằng, Mỹ chưa cung cấp được bằng chứng Nga vi phạm INF và Moscow sẵn sàng duy trì thảo luận vấn đề này với Washington. Trả lời báo giới ngày 5-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích: “Những cáo buộc vô căn cứ được lặp đi lặp lại”. Bà Maria khẳng định Moscow luôn tuân thủ hiệp ước 30 năm tuổi, xem đây là một trong những trụ cột chính bảo đảm sự ổn định chiến lược và an ninh quốc tế. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, chính tuyên bố của Mỹ khơi mào những căng thẳng và “sự thật đang bị bóp méo” để ngụy trang cho mục tiêu thực sự của Washington, đó là rút khỏi hiệp ước.

Trong khi đó, với thông điệp cứng rắn, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc phòng Hội đồng Liên bang Nga Viktor Bondarev nêu rõ: “Lập trường của Nga là cần tuân thủ và ủng hộ những nỗ lực duy trì INF. Tuy nhiên, nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước, chúng tôi sẽ phải đáp trả bằng hàng loạt biện pháp, trong đó có việc tăng tốc phát triển và biên chế các loại vũ khí tối tân”.

Hiệp ước INF quy định Mỹ và Nga không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo cũng như tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500km). Ngoài ra, Mỹ cũng không được phép phát triển các loại vũ khí mới. Tuy nhiên, ông Trump luôn cho rằng, Nga và Trung Quốc không được sở hữu hay phát triển các loại vũ khí mới, nếu không thì Mỹ sẽ bắt đầu phát triển chúng.

Theo AFP, tháng 10 vừa qua, Tổng thống Trump làm dấy lên mối quan ngại toàn cầu khi tuyên bố rút khỏi INF, vốn được Tổng thống Mỹ Ronald Regan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết ngày 8-12-1987, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Ngày 4-12-2018, Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc ngăn chặn một “cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn và không thể kiểm soát”. Song, chỉ một ngày sau, ngày 5-12, Mỹ có tuyên bố mâu thuẫn với “mong muốn” nói trên của Tổng thống Trump, tức lại đòi rút khỏi INF - động thái mà Nga cho là “bước đi nguy hiểm” bởi có thể đẩy các bên trở lại một cuộc chạy đua vũ trang và thời kỳ chiến tranh lạnh, theo nhận định của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky.

Ông Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí ở Mỹ cũng cảnh báo, đàm phán về một giải pháp với Nga nếu thất bại sẽ dẫn đến nguy cơ bắt đầu một cuộc đua tên lửa mới ở châu Âu và làm suy yếu an ninh ở châu lục này. Cao ủy ngoại giao EU Federica Mogherini thúc giục Nga và Mỹ cứu INF. “INF đã bảo đảm hòa bình và an ninh ở châu Âu suốt 30 năm qua”, bà Mogherini nói.

Trong khi đó, NATO cho rằng, việc cứu INF tùy thuộc vào Nga. Các nước châu Âu thuộc NATO đương nhiên không muốn INF bị phá vỡ, nhưng thay vì gây áp lực để Tổng thống Trump hủy bỏ quyết định rút lui thì lại buộc Nga phải tuân thủ hiệp ước.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.