Mỹ chưa chính thức rút quân khỏi Syria nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đưa thêm binh sĩ đến khu vực biên giới của quốc gia chìm trong nội chiến nhiều năm qua. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng có thể được cải thiện đáng kể.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels (Bỉ) vào tháng 7-2018. Ảnh: AP |
Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ bất ngờ rút quân khỏi Syria là chiến thắng của Thổ Nhĩ Kỳ bởi Ankara được hưởng lợi nhiều nhất. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan luôn muốn đưa quân vào Syria để tiêu diệt lực lượng dân quân người Kurd vốn bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.
Theo hãng AFP, ngày 24-12, ông Erdogan điều thêm binh sĩ đến huyện biên giới Elbeyli, thuộc tỉnh Kilis của Thổ Nhĩ Kỳ và nói rằng động thái này nhằm chuẩn bị việc tấn công lực lượng chiến binh người Kurd thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong những tháng tới.
Trong khi đó, báo chí địa phương đưa tin, một số phương tiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào Syria. Ông Erdogan trước đó xác nhận Ankara sẽ thay Mỹ tiếp quản sứ mệnh xóa sổ các phần tử IS cuối cùng. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 25-12 cũng khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở chiến dịch quân sự vượt qua bờ đông của sông Euphrates, thuộc miền bắc Syria sớm nhất có thể.
Không như một số đồng minh của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ ca ngợi quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc rút toàn bộ 2.000 binh sĩ khỏi Syria. Chính phủ của Tổng thống Erdogan xem YPG là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK), hoạt động bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và chống phá chính quyền Ankara từ năm 1984 đến nay.
Thổ Nhĩ Kỳ với sự hỗ trợ của Quân đội Syria Tự do (FSA) từng mở 2 chiến dịch xuyên biên giới ở miền bắc Syria, mang tên “Euphrates Shield” (Lá chắn Euphrates) và “Olive Branch” (Nhành oliu) chống lại YPG và IS. Tuy nhiên, YPG lại là đồng minh then chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Syria.
Các nhà quan sát nhận định, trong quyết định bất ngờ của Tổng thống Trump có “bàn tay” của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo AFP, trong cuộc điện đàm vào ngày 23-12 giữa ông Trump và ông Erdogan, hai nhà lãnh đạo này đã thống nhất tránh “khoảng trống quyền lực” tại Syria sau khi Mỹ rút quân và hơn ai hết Ankara mong muốn sẽ lấp “khoảng trống” đó.
Một người phát ngôn Nhà Trắng tiết lộ, Tổng thống Erdogan đã mời người đồng cấp Mỹ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2019, đồng thời cho hay tuy chưa có kế hoạch nào được xác nhận nhưng nhà lãnh đạo Mỹ hiện để ngỏ về một cuộc gặp như thế trong tương lai.
Người phát ngôn Ibrahim Kalin của Tổng thống Erdogan cho hay, một phái đoàn Mỹ sẽ đến Ankara trong tuần này để bàn thảo về việc phối hợp rút quân và một phái đoàn của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ đến Washington vào đầu tháng 1-2019. Ông Kalin nhấn mạnh đến cam kết của Ankara rằng, không có bước lùi trong cuộc chiến chống IS.
“Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thể hiện quyết tâm chống Daesh (tức IS). Để đánh bại Daesh, chúng tôi không cần PKK hay YPG. Chúng tôi có thể mang lại hòa bình cho khu vực này”, ông Kalin nói.
Như vậy, rút khỏi Syria, Mỹ sẽ nhường chiến trường cho Thổ Nhĩ Kỳ, giải quyết căng thẳng giữa hai quốc gia đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quyết định của Tổng thống Trump làm dấy lên căng thẳng ngay trong chính nội bộ chính phủ của ông, tạo ra những chỉ trích từ nhiều đồng minh, nhưng có thể cải thiện mối quan hệ đáng kể với Ankara.
Tuần trước, Mỹ đã thông qua thỏa thuận bán các tên lửa trị giá 3,5 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Song, mối quan hệ giữa hai nước sẽ chưa thể thực sự nồng ấm ngay lập tức bởi vẫn còn những vướng mắc chung quanh nhiều vấn đề, trong đó có việc Mỹ từ chối dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Pennsylvania, bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7-2016.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có những phản ứng khác nhau chung quanh cái chết của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán ở thành phố Istanbul ngày 2-10 vừa qua. Ông Erdogan hiện vẫn muốn duy trì áp lực quốc tế đối với Saudi Arabia và quy trách nhiệm cho Thái tử Mohammed bin Salman. Nhưng ông Trump đứng về phía Riyadh. Hồi tháng 11, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng, ông không xem việc dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ là một phần nỗ lực để Ankara bớt gây áp lực với Saudi Arabia. |
PHÚC NGUYÊN