Chính phủ Hungary đang xoay xở mọi biện pháp giải quyết làn sóng biểu tình quy mô lớn diễn ra suốt một tuần qua nhằm phản đối điều luật lao động mới mà người dân gọi là “điều luật nô lệ”.
Theo BBC, điều luật lao động mới được Quốc hội thông qua vào ngày 12-12, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Theo đó, các công ty có thể tăng số giờ làm thêm của người lao động lên 400 tiếng mỗi năm từ 250 tiếng như hiện nay và trì hoãn trả lương làm thêm giờ đến 3 năm.
Ngày 16-12, khoảng 10.000 - 15.000 người dân Hungary xuống đường biểu tình, tuần hành chung quanh tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Budapest và trụ sở Đài Truyền hình Trung ương đề nghị Thủ tướng Viktor Orban thu hồi luật lao động mới. Ngoài ra, dư luận còn phẫn nộ trước hành động chống lại người vô gia cư và di dân của ông Orban.
Theo báo Hungary Today, các đảng đối lập đang lên kế hoạch tổ chức chặn đường và tăng cường biểu tình nếu Tổng thống Janos Ader ký thông qua luật gây tranh cãi này.
Chính phủ của Thủ tướng Orban cho rằng, cải cách nói trên có lợi cho cả người lao động lẫn các công ty đang cần bù đắp nguồn lao động thiếu hụt. Song, các lãnh đạo công đoàn lao động chỉ ra rằng, người Hungary vốn không hài lòng về tình trạng lương thấp và điều kiện làm việc nghèo nàn, nay cho phép các chủ lao động, nhất là công ty đa quốc gia trả lương thấp hơn và có thêm quá nhiều quyền đối với người lao động, là không công bằng.
THƯ LÊ