Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia nổi sóng

.

Nghị quyết do Thượng viện Mỹ đưa ra yêu cầu Thái tử Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi đang làm mối quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh này nổi sóng. Đáng nói là nghị quyết này đi ngược lại với quan điểm của Tổng thống Donald Trump và có thể bị phủ quyết.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman bị chỉ trích gay gắt chung quanh cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. 		Ảnh: AFP
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman bị chỉ trích gay gắt chung quanh cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, Saudi Arabia ngày 17-12 chỉ trích nghị quyết của Thượng viện Mỹ nêu đích danh Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman phải chịu trách nhiệm về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Nghị quyết này còn yêu cầu chấm dứt sự ủng hộ quân sự của Mỹ đối với Vương quốc Hồi giáo trong cuộc chiến ở Yemen. Saudi Arabia cảnh báo, động thái như thế có thể tác động đến mối quan hệ chiến lược giữa Riyadh với Washington.

Tuy cuộc bỏ phiếu nói trên của Thượng viện chỉ mang tính biểu tượng nhưng là lời cảnh báo mới đối với Tổng thống Donald Trump, người kiên quyết ủng hộ chính phủ Saudi Arabia, bất chấp làn sóng phản đối từ nhiều nước chung quanh cái chết của nhà báo Khashoggi và bất chấp cả thông tin từ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) “tố” Riyadh đứng sau âm mưu sát hại này. Ông Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đã chính thức chỉ trích Thái tử Mohammed.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho rằng, việc Thượng viện Mỹ quy trách nhiệm cho Thái tử Mohammed là hành động can thiệp “trắng trợn” vào công việc nội bộ của Vương quốc Hồi giáo, làm suy yếu vai trò và vị thế của nước này tại khu vực cũng như thế giới. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia gọi đây là “những thông điệp sai trái” cho tất cả những ai muốn mối quan hệ giữa Riyadh và Washington rạn nứt.

Nghị quyết sẽ được Hạ viện xem xét từ tháng 1-2019 và chắc chắn bị Tổng thống Trump phủ quyết. Người đứng đầu Nhà Trắng từng tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào đi ngược với quan điểm của ông: duy trì quan hệ đồng minh với Saudi Arabia và ủng hộ Thái tử Mohammed. Song, theo hãng AFP, Thượng viện đang gửi thông điệp mạnh mẽ đến Nhà Trắng về sự tức giận của các nghị sĩ Mỹ đối với Riyadh.

Cái chết của nhà báo Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 2-10 vừa qua, cùng cách xử trí mập mờ, quanh co của Riyadh làm tổn hại đáng kể uy tín của quốc gia này. Các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp và Canada, đã áp đặt trừng phạt đối với gần 20 công dân Saudi Arabia. Tuy nhiên, với Mỹ, sự trừng phạt này chỉ lấy lệ bởi Tổng thống Trump không muốn mất nguồn lợi lớn từ những hợp đồng mua bán vũ khí đã ký với Riyadh.

Với áp lực của quốc tế, Saudi Arabia đã thừa nhận, âm mưu sát hại nhà báo Khashoggi do các cơ quan hàng đầu của nước này có mối quan hệ thân thiết với Thái tử Mohammed vạch ra. Ông James Dorsey, chuyên gia về Trung Đông tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng, Thái tử 33 tuổi và Saudi Arabia đã nhận thấy những hệ quả mà Vương quốc này phải gánh chịu khi xảy ra cái chết của nhà báo Khashoggi, nhất là Riyadh đang có “vai trò hàng đầu ở khu vực”, ủng hộ sự ổn định của thị trường năng lượng quốc tế, hợp tác chống khủng bố… Tại Trung Đông, Saudi Arabia còn được xem là một đối trọng với Iran.

Đối với cuộc chiến ở Yemen, Mỹ hỗ trợ Saudi Arabia về quân sự và tình báo nhằm chống lại các phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn. Song, gần 3 năm chiến tranh với hàng ngàn người Yemen thiệt mạng, các quan chức và nghị sĩ Mỹ đang dần hết kiên nhẫn. Lầu Năm Góc đã từ chối chia sẻ thông tin tình báo và cùng hệ thống giám sát, trinh sát tiên tiến với Saudi Arabia.

Đàm phán về hòa bình ở Yemen do Liên Hợp Quốc bảo trợ cũng vừa kết thúc ở Thụy Điển và đạt được một số tiến triển. Theo đó, chính phủ Yemen và phiến quân Houthi nhất trí trao đổi tù binh, nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, mở cửa sân bay ở thủ đô Sanaa. Các bên xung đột ở Yemen cũng đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Hodeidah, thành phố cảng có vị trí chiến lược gần bờ biển Đỏ hiện do lực lượng Houthi kiểm soát. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ca ngợi các cuộc đàm phán và cho rằng, “hòa bình là điều có thể”.

Hãng AFP dẫn lời Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 17-12 nói rằng, nước ông đang tìm cách hủy bỏ thỏa thuận mua bán vũ khí trị giá 11,5 tỷ USD ký với Saudi Arabia vào năm 2014. Ông Trudeau chỉ trích vai trò của Saudi Arabia đối với vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi và cuộc chiến do Riyadh dẫn đầu ở Yemen. Hợp đồng 11,5 tỷ USD là thỏa thuận vũ khí lớn nhất trong lịch sử Canada.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.