Thỏa thuận Paris 2015 khó hồi sinh

.

Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu khó hồi sinh khi không có sự hiện diện của Mỹ, quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cao thứ hai thế giới. Theo đó, hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu (COP 24) diễn ra tại Ba Lan ít khả năng tạo đột phá. 

Theo Thỏa thuận Paris 2015, các nước phát triển cắt giảm phát thải mạnh mẽ hơn, thực hiện cam kết cung cấp tài chính, chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển.	 Ảnh: Getty Images
Theo Thỏa thuận Paris 2015, các nước phát triển cắt giảm phát thải mạnh mẽ hơn, thực hiện cam kết cung cấp tài chính, chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Ảnh: Getty Images

Ngày 3-12, các nhà lãnh đạo 200 quốc gia có mặt tại thành phố Katowice (Ba Lan) để chính thức bắt đầu vòng đàm phán trong 2 tuần nhằm làm sống lại Thỏa thuận Paris 2015, với mục tiêu hạn chế sự ấm nóng của toàn cầu từ 1,5 đến 2 độ C, cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thông qua việc chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng, chú trọng nguồn năng lượng tái tạo, xanh và sạch hơn.

COP 24 là một trong 2 hội nghị cuối cùng trước thềm năm 2020, thời điểm Thỏa thuận Paris 2015 chính thức có hiệu lực. Sự kiện tại Ba Lan lần này đặc biệt quan trọng vì năm 2018 là thời hạn chót mà các nước tham gia Thỏa thuận Paris phải thông qua chương trình để thực hiện các cam kết. Song, kỳ vọng đối với COP 24 rất thấp bởi các nước bị cho rằng không nỗ lực so với yêu cầu đặt ra trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc thực thi Thỏa thuận Paris 2015 đặc biệt khó khả thi vì sự rút lui của Mỹ.

Theo hãng Reuters, bạo loạn ở thủ đô Paris của Pháp, xuất phát từ làn sóng phản đối việc tăng thuế nhiên liệu của chính phủ, cũng đặt ra vấn đề: Các nhà lãnh đạo chính trị gặp khó khăn khi ban hành các chính sách vừa có lợi cho môi trường về lâu dài, vừa không tăng thêm chi phí cho người dân.

Hãng AFP cho hay, một trong những vấn đề gây bất đồng là tài chính. Các nước đang bị mực nước biển gia tăng và hạn hán đe dọa sẽ dùng sự kiện COP 24 để thúc giục những nước giàu chia sẻ gánh nặng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo Thỏa thuận Paris 2015, các nước giàu - vốn phải chịu trách nhiệm chính trong việc phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính - sẽ rót chi phí để hỗ trợ những nước đang phát triển. Các nước đang phát triển cũng đối mặt với những khó khăn khi sắp phải chuyển từ cắt giảm phát thải tự nguyện trước năm 2020 sang cắt giảm phát thải bắt buộc từ năm 2021. Trong khi đó, các nước phát triển phải cắt giảm phát thải mạnh mẽ hơn, thực hiện cam kết cung cấp tài chính, chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận gây hoang mang và nhiều nước lo ngại không nhận đủ tiền như cam kết để phát triển năng lượng xanh.

Giảm lượng khí thải trong không khí được cho là giải pháp hiệu quả nhất để có thể đạt mục tiêu khống chế nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C, thậm chí 1,5 độ C vào năm 2030. Tháng 10 vừa qua, Ủy ban Khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo, để đạt được mục tiêu như vậy, phải giảm ½ lượng phát thải từ nhiên liệu hóa thạch từ nay đến năm 2030. Ba Lan là một trong những quốc gia phụ thuộc lớn vào than đá và lãnh đạo nước chủ nhà COP 24 muốn lưu ý đến vai trò của nhiên liệu hóa thạch đối với nền kinh tế nước này.

Thỏa thuận Paris vốn không mang tính ràng buộc. Vì vậy, việc giảm 1/2 tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch dường như là điều bất khả thi đối với các quốc gia tiêu thụ than hàng đầu như: Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Mỹ, Nga, Đức và cả Ba Lan.

Ngày 3-12, Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố đầu tư 200 tỷ USD để hành động vì khí hậu giai đoạn 2021-2025. Ông John Roome, Giám đốc cấp cao về biến đổi khí hậu tại WB cảnh báo: “Nếu chúng ta không giảm thiểu phát thải và bắt đầu thích ứng ngay lúc này, sẽ có thêm 100 triệu người sống trong nghèo khó vào năm 2030”.

Tổng Giám đốc điều hành WB Kristalina Georgieva cho rằng, trước tình trạng nước biển dâng, ngập lụt và hạn hán, cần xử lý từ gốc rễ nguyên nhân nhưng cũng cần thích ứng với những hậu quả vốn ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến người nghèo.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.