Thỏa thuận Paris về khí hậu được cứu?

.

Các nhà lãnh đạo của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã vượt qua những bất đồng để thống nhất lộ trình thực thi Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, những gì đạt được vẫn chưa đủ để ngăn chặn những tác động nguy hiểm của sự ấm nóng toàn cầu.

Các quan chức tham gia đàm phán vui mừng khi đạt được những quy tắc nhằm thực thi Thỏa thuận Paris 2015. Ảnh: TIME
Các quan chức tham gia đàm phán vui mừng khi đạt được những quy tắc nhằm thực thi Thỏa thuận Paris 2015. Ảnh: TIME

Sau 2 tuần đàm phán căng thẳng tại thành phố Katowice của Ba Lan, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) đã thống nhất một cuốn sách với bộ quy tắc chuẩn dài 156 trang, chia thành các chủ đề nhỏ, nhằm thực thi Thỏa thuận Paris 2015. Những quy tắc này hướng dẫn các quốc gia cách thức báo cáo lượng khí thải nhà kính một cách minh bạch và cắt giảm khí thải nhằm đưa nhiệt độ trái đất không tăng thêm quá 2oC, thậm chí dừng ở mức 1,5oC.

Theo bộ quy tắc nói trên, cứ 2 năm một lần kể từ năm 2020, các quốc gia phải báo cáo về chương trình cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung báo cáo được gửi đến Ban Thư ký Ủy ban Khí hậu LHQ để phân tích, thẩm định. Các nước đang phát triển và các đảo quốc nhỏ dù phải tuân thủ các quy định như nhau nhưng có thể yêu cầu thời hạn bổ sung để nâng cao năng lực và huy động các nguồn lực tài chính cho mục tiêu chống biến đổi khí hậu…

Chủ tịch COP 24, Bộ trưởng Môi trường Ba Lan Michal Kurtyka thừa nhận không dễ dàng đạt được sự đồng thuận đối với một thỏa thuận quá chi tiết và mang tính kỹ thuật. Ông Kurtyka cho biết, các nhà đàm phán không đề cập về lợi ích quốc gia nữa mà nói về nhân loại và trách nhiệm đối với những thế hệ tương lai. “Chúng ta đã có 1.000 bước đi nhỏ cùng nhau”, ông Kurtyka nói, đồng thời cho rằng bộ quy tắc đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa Thỏa thuận Paris.

Trước lúc diễn ra COP 24, nhiều nhà quan sát và chuyên gia môi trường đều không hy vọng về sự đột phá. Các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu luôn có những bất đồng, chia rẽ, nhất là khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris 2015 dù cường quốc này là một trong những nước phát thải lớn nhất thế giới. Mỹ, Saudi Arabia, Nga và Kuwait trước đó cũng không hài lòng với mục tiêu: lượng phát thải CO2 sẽ giảm 45% vào năm 2030 để duy trì tình trạng ấm nóng toàn cầu ở mức 1,5oC.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh, cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện tham vọng của Thỏa thuận Paris 2015. Ông Guterres luôn cho rằng, “chúng ta vẫn chưa làm đủ và làm chưa đủ nhanh” so với yêu cầu hành động khẩn cấp. Thực tế, tốc độ biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn phản ứng của con người. Với nhiệt độ toàn cầu hiện chỉ tăng 1oC, trái đất hứng chịu biết bao thảm họa như: cháy rừng, hạn hán, siêu bão… Nói về bộ quy tắc vừa đạt được, Tổng Thư ký Guterres cho rằng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chỉ mới bắt đầu.

Hãng Reuters cho hay, một số nước và các nhóm môi trường chỉ trích sự thất bại trong việc giảm khí thải làm gia tăng nhiệt độ của trái đất. Các nước nghèo hơn vốn dễ bị tổn thương từ sự biến đổi khí hậu luôn muốn được hỗ trợ tài chính lâu dài. Những nước này mong các nước giàu thực hiện cam kết hỗ trợ ngân sách 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để giúp chuyển sang sử dụng năng lượng xanh hơn, đồng thời giảm lượng phát thải của chính “những ông lớn”. Tuy nhiên, số tiền huy động được thực tế chỉ bằng 1/10 con số cam kết (tức 10 tỷ USD so với cam kết 100 tỷ USD).

COP 24 khép lại với những tín hiệu vui cho Thỏa thuận Paris 2015. Song, việc hiện thực hóa những nhiệm vụ đặt ra hoàn toàn không đơn giản. Brazil là chủ nhà của COP 25 nhưng chính phủ nước này quyết định rút lui nên Chile sẽ đăng cai COP 25 vào tháng 12-2019 hoặc tháng 1-2020.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.