Năm 2018 sắp qua đi, đánh dấu tròn năm thứ hai Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gặp nhiều sóng gió trên chính trường. Hai năm qua, ông đã làm đảo lộn hàng loạt cấu trúc vốn được định hình bằng nhiều biến cố khác nhau cả về chính trị, kinh tế, lẫn quốc phòng-an ninh… Gốc rễ của những biến cố đó được cho là xuất phát từ mục tiêu tranh cử ông Trump: “nước Mỹ trên hết”.
Về đối nội, ông Trump đã hủy bỏ khá nhiều chính sách của những người tiền nhiệm. Chính sách nhập cư của ông đã và đang gây chia rẽ sâu sắc ngay trong lòng nước Mỹ. Ngoài thanh lọc, trục xuất người nhập cư trái phép, việc ngăn chặn dòng người nhập cư mới, trong đó xây bức tường biên giới với nước láng giềng Mexico là hàng rào lớn nhất cản trở Đồi Capitol đạt được thỏa thuận về dự luật ngân sách, dẫn tới việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần tới ít nhất qua kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.
Về đối ngoại, việc đầu tiên khi bước chân vào Nhà Trắng là ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tiếp đó, hàng loạt hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương bị chính phủ của ông Trump hủy bỏ như: Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA); Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA); Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)… Ông Trump cũng tuyên bố Mỹ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO); Hội đồng nhân quyền LHQ…
Đáng chú ý, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới. Hồi kết của cuộc đối đầu này chưa rõ thực hư ra sao nhưng gây ra nhiều quan ngại về bức tranh kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, mới đây, Tổng thống Trump yêu cầu Quốc hội Mỹ chi tiền xây bức tường biên giới với Mexico và quyết định cho rút quân đội Mỹ tại Syria về nước. Nhật báo Le Monde (Pháp) gọi đây là thái độ khó hiểu của chủ nhân Nhà Trắng ở hai khía cạnh: một là, sự “ương ngạnh”, muốn xây bức tường biên giới; hai là, thay đổi quan điểm như chong chóng mà không hề tham khảo ý kiến của ban lãnh đạo đảng Cộng hòa.
Hệ quả đầu tiên, về đối nội, guồng máy chính phủ liên bang ngay lập tức bị “tê liệt”. Phe Dân chủ cho rằng, ông Trump đẩy đất nước vào tình cảnh lộn xộn, chia rẽ sâu sắc. Còn về đối ngoại, nước Mỹ mất uy tín với các đồng minh chủ chốt và tạo ra những hệ quả khó lường cho cuộc chiến chống khủng bố cũng như các vấn đề về an ninh năng lượng, an ninh hạt nhân.
Chuyên gia Mỹ James Lindsay về quan hệ quốc tế cho rằng, Tổng thống Trump muốn tự định đoạt chính sách ngoại giao. Cũng theo phân tích của Lindsay, sở dĩ người đứng đầu Nhà Trắng làm như thế vì quan niệm về quan hệ quốc tế của ông rất đơn giản: không thắng thì không tiếp tục chiến tranh, còn đồng minh thật ra là kẻ thù chứ không phải là bạn.
Theo ông Trump, các đồng minh lâu nay chỉ là những người lợi dụng “chiếc ô an ninh” của Mỹ cũng như các hiệp định thương mại quốc tế để trục lợi, chiếm công ăn việc làm của lao động Mỹ. Phát biểu với các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Trump yêu cầu các nước thành viên phải gia tăng đóng góp tài chính chứ không để một mình Mỹ chi phần lớn ngân sách cho NATO, mà chủ yếu để bảo vệ các nước châu Âu.
Các đồng minh được Mỹ “giúp đỡ” nhằm thi hành chính sách mà Tổng thống Trump lựa chọn và nhà lãnh đạo này luôn đi con đường: toàn cầu hóa có lợi cho Mỹ thì Mỹ áp dụng, không có lợi thì để qua một bên. Đây là gốc rễ của vấn đề để ông Trump đưa ra các quyết sách cả đối nội lẫn đối ngoại trong suốt 2 năm làm chủ nhân Nhà Trắng.
Mục tiêu “nước Mỹ trên hết” của ông Trump có được duy trì cho đến hết nhiệm kỳ, có tạo cơ hội cho ông chạy đua giành nhiệm kỳ thứ hai hay không vẫn là câu hỏi lớn. Từ đầu năm 2019, với đa số ghế ở Hạ viện, phe Dân chủ sẽ tiến hành nhiều bước đi nhằm kìm hãm các hành động “bột phát” của ông chủ Nhà Trắng; kể cả “hồ sơ luận tội” ông trong hàng loạt vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử năm 2016 và trong việc kinh doanh của tỷ phú này vẫn hiện hữu.
TUYẾT MINH