Ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc: Triều Tiên tìm lợi thế đàm phán với Mỹ?

.

Chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 4 của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un là dấu hiệu Bình Nhưỡng ngày càng xích lại gần đồng minh truyền thống. Hàn Quốc kỳ vọng chuyến thăm này sẽ là bước đệm hướng đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un (trái) thăm Bắc Kinh và gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2018.                                   Ảnh: KCNA/Reuters
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un (trái) thăm Bắc Kinh và gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2018. Ảnh: KCNA/Reuters

Ngày 8-1, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đến thủ đô Bắc Kinh đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 36 của mình, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Chuyến công du 4 ngày của ông Kim được cho là nỗ lực hợp tác với Bắc Kinh và tranh thủ sự ủng hộ từ đồng minh lớn nhất này trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể diễn ra vào đầu năm nay.

Hãng Tân Hoa xã xác nhận, đoàn tàu hỏa đặc biệt gồm 20-25 toa của CHDCND Triều Tiên vượt biên giới Trung Quốc lúc 20 giờ 15 ngày 7-1 và đến thủ đô Bắc Kinh vào sáng 8-1.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho hay, ông Kim Jong-un đi cùng phu nhân Ri Sol Ju; tháp tùng là các quan chức cấp cao hàng đầu của Bình Nhưỡng, trong đó có ông Kim Yong Chol, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và Ngoại trưởng Ri Yong Ho.

Theo Reuters, với việc ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh, có thể có cuộc gặp gỡ lần thứ tư giữa nhà lãnh đạo này với ông Tập Cận Bình. Năm 2018, ông Kim và ông Tập đã 3 lần gặp thượng đỉnh, trước và sau những cuộc gặp gỡ riêng rẽ với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (CNI, Mỹ) nhận định: “Ông Kim Jong-un muốn nhắc nhở chính phủ Tổng thống Donald Trump rằng, ông ấy có những lựa chọn ngoại giao và kinh tế khác bên cạnh những gì mà Washington và Seoul có thể trao cho Bình Nhưỡng”.

Trong bài phát biểu năm mới 2019, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định sẵn sàng gặp gỡ Tổng thống Donald Trump bất kỳ lúc nào nhưng ông lại đề cập đến “một con đường khác nếu Mỹ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và áp lực” đối với Bình Nhưỡng. Ông Kazianis cho rằng, trong thông điệp năm mới, “cách tiếp cận mới” mà ông Kim đề cập có thể hiểu là lời cảnh báo Triều Tiên sẽ xích gần hơn với Trung Quốc và điều này làm Mỹ lo ngại.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Xanh Kim Eui-kyeom bày tỏ hy vọng sự hiện diện của ông Kim Jong-un ở Bắc Kinh sẽ đóng góp vào những nỗ lực bảo đảm hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. “Chúng tôi đặc biệt hy vọng sự trao đổi giữa Trung Quốc và Triều Tiên lúc này sẽ là bước đệm cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai”, người phát ngôn phủ Tổng thống Hàn Quốc nói.

Các chuyên gia cũng nói rằng, sau chuyến thăm Trung Quốc, ông Kim Jong-un có thể thăm Hàn Quốc hoặc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng 2 tới; nhưng trước lúc gặp người đứng đầu Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn tìm kiếm và tối ưu hóa các lợi thế đàm phán. “Ông Kim Jong-un dường như muốn có được cam kết bảo lãnh từ Bắc Kinh”, cựu quan chức ngoại giao Mỹ Sean King nhận định.

Kể từ cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều tại Singapore hồi tháng 6-2018 đến nay, tiến trình giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn diễn ra chậm chạp, thậm chí bế tắc. Mỹ đang duy trì áp lực với Triều Tiên nhưng quốc gia Đông Bắc Á này cho rằng, nước này đã thực hiện đủ những gì có thể và đây là lúc Washington cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào nền kinh tế của Bình Nhưỡng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng không đề cập chi tiết về vai trò trung gian của Bắc Kinh trong đàm phán Mỹ - Triều, chỉ nói rằng cường quốc châu Á này vẫn ủng hộ mọi nỗ lực hướng đến một giải pháp tích cực cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Song, các nhà quan sát đều cho rằng, Bình Nhưỡng xem Bắc Kinh là yếu tố không thể thiếu trong các chuyển động của bán đảo Triều Tiên. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có thể thăm Triều Tiên trong năm nay khi hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Chuyến thăm Bắc Kinh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra trong lúc phái đoàn Mỹ đang đàm phán với Trung Quốc cũng ngay tại thủ đô này nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trả lời phỏng vấn hãng CNBC, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đánh giá cao sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên và nói rằng, ông không nghĩ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực này. Theo GS. Shi Yinhong (Đại học Renmin ở Bắc Kinh), chuyến công cán của ông Kim sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình đàm phán thương mại.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.