Thêm Israel và Úc tham gia cùng Mỹ, các nước Mỹ Latinh ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido làm Tổng thống lâm thời của Venezuela, sức ép đối với Tổng thống Nicolas Maduro càng lớn.
Tổng thống Nicolas Maduro (giữa) thị sát Pháo đài Paramacay ở thành phố Valencia, thuộc bang Carabob. Ảnh: Reuters |
Trong đoạn video đăng trên Twitter, Chủ tịch Quốc hội, thủ lĩnh đối lập 35 tuổi Juan Guaido kêu gọi biểu tình hòa bình vào ngày 30-1 cùng một cuộc biểu tình khác quy mô quốc gia và quốc tế vào ngày 2-2. Trước đó, ông Guaido tự xưng là Tổng thống lâm thời trong cuộc tuần hành ở thủ đô Caracas với sự tham gia của hàng chục ngàn người vào ngày 23-1, đồng thời cáo buộc cuộc bầu cử với chiến thắng và nhiệm kỳ 2 dành cho ông Maduro là gian lận.
“Venezuela muốn hòa bình”
Hãng Reuters cho biết, ngày 27-1 (giờ địa phương), Tổng thống Maduro cùng Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino thị sát Pháo đài Paramacay ở thành phố Valencia, thuộc bang Carabobo và chứng kiến diễn tập quân sự; sau đó thăm căn cứ hải quân C/A Agustin Armario cũng ở bang này. Tổng thống Maduro nói rằng, chuyến thị sát minh chứng với thế giới rằng, ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quân đội và lực lượng vũ trang Venezuela sẵn sàng bảo vệ đất nước. Ông chỉ trích thủ lĩnh đối lập Guaido đang tham gia một cuộc đảo chính do các cố vấn chính sách theo đường lối cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm đạo diễn. “Không ai tôn trọng kẻ yếu, hèn nhát, phản bội. Ở thế giới này, những gì được tôn trọng là sự dũng cảm, can đảm, sức mạnh”, ông Maduro nói. “Đừng ai nghĩ đến việc giẫm đạp lên mảnh đất thiêng liêng này. Venezuela muốn hòa bình. Để bảo đảm hòa bình, chúng ta phải chuẩn bị”, vị Tổng thống sinh năm 1962 nhấn mạnh.
Quân đội cũng đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động diễn tập lớn hơn từ ngày 10 đến 15-2, sự kiện được ông Maduro mô tả là “quan trọng nhất trong lịch sử Venezuela”, bởi đây là dịp lực lượng vũ trang quốc gia Nam Mỹ này thể hiện sức mạnh với khả năng phòng thủ, chiến đấu và tác chiến. Kịch bản diễn tập là ứng phó với một cuộc xâm lược mô phỏng, từ đó tăng cường năng lực chiến đấu của quân đội trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Việc biểu dương lực lượng được thực hiện cùng chiến dịch của chính phủ trên mạng với khẩu hiệu “Luôn trung thành, không bao giờ phản bội”.
Cũng trong ngày 27-1, Tổng thống Maduro chỉ trích âm mưu kích động nổi loạn trong quân đội. Nhà lãnh đạo này cho biết, hàng ngàn tin nhắn đã được gửi đến các binh sĩ mỗi ngày trên WhatsApp và các diễn đàn mạng xã hội khác từ nước láng giềng Colombia. Song, đến thời điểm này, quân đội Venezuela - đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Padrino - vẫn bày tỏ quan điểm trung thành với chính phủ của ông Maduro.
Không bầu cử lại
Ngoài Mỹ, một số nước như Canada, Colombia, Paraguay, Brazil, Chile, Argentina, Ecuador, Guatemala, Peru và Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời. Ngày 27-1, Israel và Úc có động thái tương tự. Trong lúc đó, Nhà Trắng chấp nhận nhân vật đối lập ở Venezuela, ông Carlos Alfredo Vecchio, làm đại biện ngoại giao tại Mỹ. Còn Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha tuyên bố sẽ công nhận ông Guaido nếu Tổng thống Maduro không tổ chức bầu cử trong vòng 8 ngày. Nga gọi tối hậu thư này là “vô lý”. Ông Maduro cũng bác bỏ tối hậu thư và cho rằng, các nước châu Âu nên rời Venezuela nếu họ muốn. “May mắn là chúng ta không phụ thuộc châu Âu”, nhà lãnh đạo cánh tả này phát biểu với đài CNN Thổ Nhĩ Kỳ.
Riêng New Zealand không công nhận chính thức bất kỳ bên nào trong cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho rằng, Venezuela cần quyết định tương lai của mình thông qua bầu cử tự do và công bằng. Các nước như Nga, Trung Quốc, Cuba, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ của Tổng thống Maduro, đồng thời lên án âm mưu đảo chính. Ngày 28-1, tại buổi họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định, cường quốc châu Á này ủng hộ chính phủ Tổng thống Maduro. “Vấn đề của Venezuela chỉ có thể và do người dân Venezuela tự lựa chọn, quyết định”, người phát ngôn Cảnh Sảng nói.
PHÚC NGUYÊN