Lúc 10 giờ 26 (tức 9 giờ 26, giờ Việt Nam) ngày 3-1, lần đầu tiên trong lịch sử khám phá không gian của nhân loại, Trung Quốc đáp xuống thành công tàu thám hiểm Hằng Nga 4 xuống “vùng tối” của Mặt Trăng.
Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc cho biết, tàu Hằng Nga 4 đã chạm xuống miệng núi lửa Pole-Aitken phía nam Mặt Trăng. Đây được xem là điểm trũng lớn nhất, cổ xưa nhất và sâu nhất trên bề mặt hành tinh này. Trang Twitter phiên bản tiếng Anh của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đăng tải bức ảnh cận cảnh đầu tiên chụp khu vực “vùng tối” nói trên.
Nhiệm vụ của Hằng Nga 4 là lấy các thông số chi tiết về kết cấu địa hình và khoáng chất của Mặt Trăng. Miệng núi lửa Pole-Aitken được cho là đã hình thành trong vụ va chạm siêu khổng lồ vào giai đoạn đầu của lịch sử Mặt Trăng, khiến các vật chất phía dưới bề mặt hành tinh này bị đẩy ra ngoài. Như vậy, Hằng Nga 4 có thể giúp con người có thêm manh mối trong việc nghiên cứu Mặt Trăng được hình thành như thế nào.
Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Jim Bridenstine gọi cú đáp xuống của Hằng Nga 4 là “thành tựu ấn tượng”. Trong khi đó, ông Malcolm Davis, nhà nghiên cứu cấp cao về chiến lược và năng lực quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Úc nhận định: “Đây không chỉ là sứ mệnh khoa học mà còn là sự trỗi dậy của Trung Quốc như một siêu cường quốc”. Theo ông Davis, sự kiện này có thể làm người Mỹ “sốt ruột”.
Tàu khám phá Mặt Trăng Hằng Nga 4 được phóng lên không gian vào sáng sớm 8-12-2018 tại Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương (tây nam Trung Quốc). Cuối tuần qua, tàu vào quỹ đạo elip quanh Mặt Trăng, cách bề mặt hành tinh này khoảng 15km. Đến nay, Bắc Kinh đã chỉ hàng tỷ USD cho các chương trình không gian của quân đội với hy vọng xây dựng trạm vũ trụ vào năm 2022, từ đó bắt đầu đưa con người lên Mặt Trăng.
KHANG NINH