Thêm một năm không bình yên với Afghanistan

.

Sau một năm có số người chết kỷ lục vì các vụ tấn công liều chết, Afghanistan tiếp tục đối mặt với một năm không bình yên khi Mỹ dọa rút một nửa số binh sĩ về nước và cuộc bầu cử tổng thống ở quốc gia Nam Á này được hoãn đến tháng 7.

Hiện trường vụ đánh bom ngày 28-1-2018 ở thủ đô Kabul nghi do Taliban thực hiện làm hơn 100 người chết. 							   Ảnh: EPA
Hiện trường vụ đánh bom ngày 28-1-2018 ở thủ đô Kabul nghi do Taliban thực hiện làm hơn 100 người chết. Ảnh: EPA

Hãng AFP cho rằng, kế hoạch rút quân của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban khiến người dân Afghanistan không còn hy vọng kết thúc cuộc chiến kéo dài 17 năm qua.

Nhiều người dân thường ở Afghanistan bày tỏ cảm giác thất vọng, dự đoán tình hình sẽ càng tồi tệ hơn mỗi ngày với các vụ tấn công đẫm máu sau khi Mỹ rút một nửa lực lượng trong số 14.000 binh sĩ đang đồn trú về nước.  

Theo dữ liệu của Dự án dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang (ACLED), tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington, số người chết liên quan xung đột ở Afghansitan trong năm 2018 là 40.000 người, tương đương số người chết ở Syria và Yemen cộng lại.

Kể từ khi cuộc chiến tranh được khơi mào tại Afghansitan vào năm 2001, năm 2018 đánh dấu một năm đẫm máu nhất với các vụ tấn công liều chết, trong đó có vụ đánh bom trên đường phố Kabul hồi tháng 1-2018 nghi do Taliban thực hiện, làm hơn 100 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Thêm vào đó, hạn hán đã khiến hơn 250.000 người rời bỏ nhà cửa.

Tuần trước, một người phát ngôn Nhà Trắng nói rằng, Tổng thống Trump không ra lệnh cho Lầu Năm Góc rút quân. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không phủ nhận các thông tin được đưa ra trước đó, vốn làm dấy lên quan ngại về cuộc khủng hoảng tị nạn mới.

Reuters cho hay, các nước láng giềng của Afghanistan cũng bắt đầu chuẩn bị nguy cơ Mỹ giảm sự hiện diện quân sự sẽ kéo theo hàng trăm ngàn người tị nạn tràn qua biên giới. “Tình hình có thể xấu đi rất nhanh”, một nhà ngoại giao cấp cao châu Á làm việc tại Kabul nói.

Có đường biên giới với Pakistan, Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan và Trung Quốc, Afghanistan có số người tị nạn sang các nước khác lớn thứ hai thế giới. Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) ước tính có gần 1,4 triệu người Afghanistan không có giấy tờ tùy thân sống ở Pakistan và khoảng 1,2 triệu người sống ở Iran. Một quan chức Iran nhấn mạnh:

“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Afghanistan để ngăn chặn người dân nước này tiến vào đất nước chúng tôi. Chúng tôi không muốn dùng bạo lực để ngăn cản họ, nhưng việc Mỹ rút quân đột ngột sẽ dẫn đến khủng hoảng”.

Afghanistan không chung biên giới đất liền với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng người dân quốc gia Nam Á này từ Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ để chăn cừu, làm nông hoặc làm các công việc trong lĩnh vực xây dựng. Nhiều người còn dùng “điểm trung chuyển” này để tiến vào châu Âu. Năm 2018, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn 90.000 người Afghanistan nhập cư bất hợp pháp, gấp đôi con số so với năm 2017.

Trong lúc đó, Taliban trấn an người dân Afghanistan không nên lo sợ sau khi lực lượng nước ngoài rời đi. Tuy nhiên, Taliban vừa bác bỏ đề nghị của chính phủ Kabul về việc đàm phán vào tháng 1 này tại Saudi Arabia nhằm thúc đẩy thỏa thuận hòa bình, kết thúc cuộc chiến kéo dài 17 năm.

Các đại diện Taliban đã gặp phía Mỹ, Pakistan và Saudi Arabia tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất hồi đầu tháng 12-2018 nhưng vẫn kiên quyết từ chối gặp phái đoàn chính phủ Afghanistan.

Theo AFP, nhiều người dân Afghanistan lo ngại chính phủ mong manh của Tổng thống Ashraf Ghani sẽ sụp đổ nếu Mỹ rút quân, tạo điều kiện cho Taliban trở lại nắm quyền và khơi mào một cuộc nội chiến khác.

Cũng có những lo ngại rằng, cuộc bầu cử tổng thống thay vì diễn ra vào ngày 20-4 thì được hoãn đến ngày 20-7, vốn là “mùa giao tranh truyền thống của Taliban”, có thể dẫn đến làn sóng bạo lực khi các chiến binh tìm cách phá hoại sự kiện này.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.