Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào giữa tháng 2

.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 13-1 dẫn một báo cáo ngoại giao cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vào giữa tháng 2-2019 và Việt Nam có thể là nơi diễn ra sự kiện này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 8-1 tại Bắc Kinh. Ông Kim thường đến Trung Quốc trước và sau khi có các cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ và Hàn Quốc.  Ảnh: Yonhap
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 8-1 tại Bắc Kinh. Ông Kim thường đến Trung Quốc trước và sau khi có các cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Báo cáo nói trên được đưa ra trong lúc có những đồn đoán hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ sớm gặp gỡ lần thứ hai nhằm nối lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh lần đầu ở Singapore vào tháng 6-2018. Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền tại Hàn Quốc Lee Hae-chan cũng xác nhận nhiều khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 2.

Trong khi đó, báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản cho biết, CHDCND Triều Tiên đang xem xét đề nghị của Mỹ và chưa có phản ứng chính thức. Trước đó, báo The Strait Times cho hay, Việt Nam và Thái Lan nằm trong danh sách các quốc gia được lựa chọn là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Cả Việt Nam và Thái Lan đều có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên cũng như Mỹ, đồng thời từng tổ chức những sự kiện quốc tế như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Truyền thông Hàn Quốc dẫn lời một quan chức của Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Singapore và Hawaii cũng nằm trong danh sách các địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tuy nhiên, tại Hawaii không có Đại sứ quán Triều Tiên nên việc chọn quần đảo này là không khả thi; còn Singapore là nơi đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1. Ngoài ra, một số nước Đông Nam Á khác cũng là “ứng cử viên” như Indonesia và Mông Cổ.

Về phía Mỹ, cường quốc này đã quyết định nới lỏng một số biện pháp cấm vận đối với các dự án viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, xem đây là động thái thiện chí trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định sẽ dỡ bỏ lệnh cấm các quan chức tổ chức cứu trợ nhân đạo của Washington thăm Triều Tiên và giảm nhẹ lệnh cấm hỗ trợ vật tư nhân đạo cho quốc gia Đông Bắc Á này. Các nhà quan sát cho rằng, quyết định của Mỹ nhằm đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong việc cần có “thiện chí qua lại” giữa các bên, từ đó thúc đẩy đàm phán. Về mặt nhân đạo, bước đi của Mỹ sẽ làm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực và cải thiện cuộc sống của người dân Triều Tiên.

Với chuyến thăm Trung Quốc lần thứ tư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới đây, hãng AFP cũng dẫn lời các nhà phân tích nhận định, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim chắc chắn sẽ diễn ra. Song, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ đối mặt với những chỉ trích nếu cuộc gặp thượng đỉnh lần hai chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận mập mờ, chung chung như “hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn”. Bình Nhưỡng hiện mong muốn Mỹ tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên để đổi lại cam kết phi hạt nhân hóa. Nhưng phía Mỹ chỉ đồng ý tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng hoàn thành “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

Với Trung Quốc - đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, cường quốc châu Á đã phát đi những tín hiệu cho thấy nước này sẽ không đứng bên lề trong “vũ điệu ngoại giao” giữa Bình Nhưỡng và Washington. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất là ông Kim Jong-un luôn gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm ngoái trước và sau khi nhà lãnh đạo trẻ này có các cuộc gặp thượng đỉnh riêng rẽ với Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Moon Jae-in. Hơn nữa, theo AFP, Trung Quốc đóng vai trò là nhà ngoại giao đối với Triều Tiên, thậm chí điều máy bay của hãng Air China đưa ông Kim Jong-un đến Singapore tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi năm ngoái.

Nhà bình luận chính trị Hua Po ở Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc có thể cung cấp sự bảo đảm về kinh tế, chính trị và an ninh cho Triều Tiên trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Phía Triều Tiên cũng cần xích lại gần hơn nữa đồng minh Trung Quốc trong trường hợp ngoại giao với Mỹ thất bại.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.