Ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia Nhiều rắc rối cho Tổng thống Mỹ

.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đối mặt với nhiều rắc rối nếu ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có tiền xây tường biên giới với Mexico.

Hàng rào biên giới Mỹ - Mexico được dựng gần thành phố Ciudad Juarez của Mexico.	                 Ảnh: Reuters
Hàng rào biên giới Mỹ - Mexico được dựng gần thành phố Ciudad Juarez của Mexico. Ảnh: Reuters

Hãng AP cho biết, Tổng thống Donald Trump sẽ ký phê chuẩn dự luật an ninh biên giới nhằm tránh việc chính phủ phải đóng cửa một phần lần thứ hai, đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Dự luật này đã được hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phê chuẩn, cung cấp hơn 300 tỷ USD cho một số bộ và cơ quan trong chính phủ và 1,37 tỷ USD cho việc thiết lập hàng rào khoảng 90km dọc biên giới phía nam, thấp hơn nhiều so với mức 5,7 tỷ USD cần thiết để xây dựng bức tường biên giới mà Tổng thống Trump yêu cầu. Điều đó có nghĩa thỏa thuận nói trên không bao gồm khoản tiền cho bức tường mà ông Trump đã kêu gọi xây dựng từ khi tranh cử tổng thống năm 2016 nhằm hạn chế nhập cư trái phép và buôn bán ma túy. Bất đồng trong việc thông qua ngân sách xây dựng tường biên giới là nguyên nhân khiến chính phủ liên bang Mỹ đóng cửa một phần với thời gian kỷ lục 35 ngày (từ 22-12-2018 đến 25-1-2019).

Thượng viện đã thông qua dự luật nói trên vào ngày 14-2 với 86 phiếu thuận và 16 phiếu chống; Hạ viện thông qua với 300 phiếu thuận và 128 phiếu chống. Nhà Trắng khẳng định ông Trump sẽ ký dự luật nhưng đơn phương hành động để có khoản tiền nhiều hơn, bất chấp những chỉ trích của đảng Dân chủ và những thách thức tại các tòa án. Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát có thể khởi kiện ông Trump. Tòa án sẽ làm rõ liệu tình trạng khẩn cấp có thực sự tồn tại ở biên giới phía nam hay không và những giới hạn trong quyền lực của tổng thống đối với các quỹ tiền từ thuế của người dân. Hãng AP cho rằng, ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ làm dấy lên cuộc chiến pháp lý giữa các nhà lập pháp và Nhà Trắng về vấn đề an ninh biên giới.

Tình trạng khẩn cấp cho phép Tổng thống Mỹ sử dụng ngân sách xây dựng của Bộ Quốc phòng nếu số tiền này chưa được phân bổ cho dự án nào; dùng các nguồn quỹ cứu trợ thiên tai hoặc điều động nhân sự cho các dự án “thiết yếu đối với việc bảo vệ quốc gia”. Theo đó, khoản tiền 21 tỷ USD xây dựng quân sự có thể được ông Trump sử dụng.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer gọi tuyên bố tình trạng khẩn cấp là “hành động vô luật pháp, lạm quyền tổng thống và là nỗ lực tuyệt vọng” nhằm cứu vãn thất bại của ông Trump khi không thể buộc Mexico phải trả tiền xây dựng tường biên giới. “Quốc hội sẽ bảo vệ các quyền lập hiến”, bà Pelosi và ông Schumer nói. Thống đốc bang Puerto Rico, ông Ricardo Rossello khẳng định sẽ chờ Tổng thống Trump tại tòa án nếu nhà lãnh đạo Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Đảng Dân chủ cho rằng, không có khủng hoảng biên giới và ông Trump dùng tuyên bố nói trên đơn giản nhằm “vượt qua” Quốc hội. Một số nghị sĩ Cộng hòa vốn phản đối điều này đã đưa ra cảnh báo rằng, các tổng thống trong tương lai nếu thuộc đảng Dân chủ sẽ có thể sử dụng quyền hành để buộc chi tiêu cho những ưu tiên của họ, chẳng hạn như kiểm soát súng đạn...

Việc chính phủ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ làm giảm tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với Tổng thống và đẩy cuộc sống của hàng trăm ngàn người dân vào khó khăn. Giờ đây, việc dùng quyền hành pháp để ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp ông thực hiện mong muốn xây tường biên giới, mà không cần được Quốc hội thông qua, nhưng chắc chắn gây ra những xung đột về tư pháp và hiến pháp.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.