"Cảm ơn Việt Nam!"

.

Đáp lại sự đón tiếp trọng thị của Việt Nam, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói: “Tôi đã đi qua chặng đường trên 3.700km đến Việt Nam và rất cảm ơn Việt Nam đã tổ chức đón tiếp chu đáo, nồng hậu”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (phải) cùng đoàn quan chức Việt Nam đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại ga Đồng Đăng. Ảnh: VGP
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (phải) cùng đoàn quan chức Việt Nam đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại ga Đồng Đăng. Ảnh: VGP

Lúc 8 giờ 15 ngày 26-2, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười bước xuống từ đoàn tàu bọc thép tại ga Đồng Đăng, thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, bắt đầu chuyến tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2; đồng thời thăm hữu nghị chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có nhiều quan chức cấp cao, trong đó có em gái của ông là bà Kim Yo-jong và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol.

Đón nhà lãnh đạo Triều Tiên tại ga Đồng Đăng là đoàn quan chức Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng làm Trưởng đoàn.

Ngay khi xuống tàu, ông Kim Jong-un bày tỏ xúc động và nói: “Tôi đã đi qua chặng đường trên 3.700km đến Việt Nam và rất cảm ơn Việt Nam đã tổ chức đón tiếp chu đáo, nồng hậu”.

Sau lễ đón, ông Kim Jong-un lên xe về Hà Nội trong sự chào đón của người dân thủ đô. Chiều cùng ngày, ông cùng phái đoàn Triều Tiên đến thăm Đại sứ quán Triều Tiên. Theo hãng thông tấn Yonhap, nhà lãnh đạo Triều Tiên đến thăm và trò chuyện với các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, những công dân đang làm việc xa quê hương.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên máy bay Air Force One lúc 12 giờ 30 ngày 25-2 (tức 0 giờ 30 ngày 26-2, giờ Việt Nam), rời căn cứ Không quân Andrews ở bang Maryland để đến Việt Nam. Ông đến thủ đô Hà Nội vào tối 26-2.

Trên mạng Twitter ngày 25-2 (giờ Washington), ông Trump nhấn mạnh những lợi ích mà Triều Tiên có thể đạt được nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân. “Với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Triều Tiên sẽ nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế. Chủ tịch Kim sẽ đưa ra quyết định sáng suốt”, ông chủ Nhà Trắng viết. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Mỹ cho biết, ông và ông Kim sẽ có một “hội nghị thượng đỉnh rất lớn”. “Chúng tôi muốn phi hạt nhân hóa và tôi nghĩ quốc gia ông ấy sẽ lập nhiều kỷ lục về tốc độ phát triển kinh tế”, Tổng thống Trump nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Nội Bài.  Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: TTXVN

Hãng Reuters dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho hay, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều sẽ gặp riêng vào chiều 27-2. Ông Trump và ông Kim sẽ cùng dùng bữa tối tại một địa điểm chưa xác định. Các cuộc gặp sau đó giữa hai bên được mở rộng với sự tham gia của các quan chức cấp cao và cố vấn.

Theo hãng Yonhap, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều dự kiến gặp gỡ ít nhất 5 lần trong hai ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh. So với cuộc gặp ở Singapore hồi tháng 6-2018, cuộc gặp tại Hà Nội sẽ kéo dài lâu hơn để thảo luận nhiều vấn đề quan trọng.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Hà Nội vào sáng 26-2. Ông Pompeo là cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump trong những nỗ lực cải thiện quan hệ với Triều Tiên. Nhà ngoại giao này cũng đã có nhiều chuyến công cán đến Bình Nhưỡng để đàm phán về việc kết thúc chương trình hạt nhân.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống G.W.Bush, ông Robert Joellick cho rằng, cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị lần này cần thực tế và dựa trên những thỏa thuận đã đạt được ở hội nghị lần đầu tiên. Theo ông Joellick, có 5 vấn đề cần giải quyết: Trước tiên, đó là tháo ngòi nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Thứ hai, Triều Tiên và Hàn Quốc cần có chương trình nghị sự xây dựng lòng tin trong mối quan hệ song phương. Thứ ba, các bên phải đàm phán vấn đề an ninh khu vực. Thứ tư, Mỹ và Hàn Quốc cần hướng Triều Tiên đến những mô hình cải tổ kinh tế. Thứ năm, tất cả các bên liên quan đều cần chung tay giải quyết mối hiểm họa tên lửa và vũ khí hạt nhân, quá trình này cần được tiến hành từng bước song song với việc xây dựng lòng tin.

Phát hành bộ tem chào mừng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
 
Chiều 26-2, Bưu điện Việt Nam và Công ty Tem Việt Nam tổ chức phát hành bộ tem đặc biệt mang tên “Chào mừng hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội”.
 
Bộ tem do hai họa sĩ Nguyễn Du và Tô Minh Trang của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế gồm 1 mẫu có giá mặt 4.000 đồng với khuôn khổ 43mm x 32mm và 1 blốc tem với khuôn khổ 222mm x 114mm. Tem được cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 26-2-2019 đến 31-12-2020.
 
Thông qua ngôn ngữ hội họa đặc trưng và sự phối màu chặt chẽ, bộ tem thể hiện nổi bật biểu trưng cách điệu hai bàn tay bắt chặt vào nhau của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều trên nền hàng tre xanh yên bình, thân thiện của Việt Nam. Bên cạnh đó, mẫu tem cũng thể hiện quốc kỳ Việt Nam và cánh chim hòa bình với dòng chữ “partnership for sustainable peace” (hợp tác vì hòa bình bền vững) nhằm khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, cũng như sự thân thiện, mến khách và đầy trách nhiệm của Việt Nam đối với nền hòa bình bền vững trên toàn thế giới. Dưới mẫu tem là hình ảnh Khuê Văn Các, biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
TTXVN

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.