Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, nhiều tín hiệu lạc quan cho thấy hai nước có thể sẽ đạt được thỏa thuận tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra Trung tâm Báo chí quốc tế chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.Ảnh: VNA |
Trong cuộc họp báo sáng 25-2 tại thủ đô Seoul, người phát ngôn Kim Eui-kyeom của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nhận định, Mỹ và CHDCND Triều Tiên có thể nhất trí về cách thức tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần hai diễn ra ở Hà Nội (Việt Nam) vào ngày 27 và 28-2. “Tôi tin khả năng đó đang rộng mở. Đến nay vẫn chưa ai biết đó sẽ là tuyên bố như thế nào, nhưng tôi tin tưởng Mỹ và Triều Tiên sẽ đạt được thỏa thuận tuyên bố chấm dứt chiến tranh ở bất kỳ mức độ nào”, hãng Yonhap dẫn lời người phát ngôn Kim Eui-kyeom nói.
Cũng theo ông Kim Eui Kyeom, sau hội nghị thượng đỉnh lần ba giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 9-2018, hai miền Triều Tiên đã ngầm tuyên bố chấm dứt chiến tranh bằng cách cam kết từ bỏ mọi hành động thù địch; hiện chỉ còn chờ một cặp quan hệ, đó là Washington và Bình Nhưỡng. Người phát ngôn này cho rằng, hiệp ước hòa bình nhằm thay thế hiệp ước đình chiến cần có sự tham gia của 4 bên, bao gồm: Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc.
Thực tế, về mặt kỹ thuật, bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh sau khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn, chứ không có hiệp ước hòa bình. Các bên ký kết thỏa thuận ngừng bắn bao gồm lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu (tham chiến cùng quân đội Hàn Quốc), Triều Tiên và Trung Quốc. Hiệp ước hòa bình chính thức là mong muốn của các nhà lãnh đạo Triều Tiên, từ thời ông Kim Nhật Thành, đến ông Kim Jong-il và nhà lãnh đạo đương nhiệm, ông Kim Jong-un.
Trong khi đó, phát biểu trước khi khởi hành đến Việt Nam vào ngày 24-2 (giờ Washington), Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ tin tưởng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên có chung quan điểm ở mức độ nhất định và hai bên đã tạo dựng “mối quan hệ rất tốt đẹp”. Ông chủ Nhà Trắng cho hay, ông không vội vàng và cũng không muốn thúc giục bất cứ ai trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. “Tôi chỉ không muốn xảy ra các vụ thử nghiệm. Miễn là không có thử nghiệm (hạt nhân và tên lửa), chúng tôi sẽ vui mừng”, Tổng thống Trump tuyên bố.
Mỹ đã liên tục yêu cầu Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân “hoàn toàn và có thể kiểm chứng được”. Nhưng phát biểu nói trên của Tổng thống Mỹ là tín hiệu đầy lạc quan cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, bởi người đứng đầu Nhà Trắng một lần nữa cho thấy lập trường đang dần mềm mỏng hơn đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 vào tháng 6-2018 ở Singapore, ông Kim Jong-un cam kết “hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên”, nhưng cả Bình Nhưỡng lẫn Washington đều không vạch ra tiến trình thực hiện. Giám đốc Chương trình Triều Tiên tại Đại học Stanford (Mỹ), Shin Gi-wook nhận định: “Sự mơ hồ và tối nghĩa của thuật ngữ phi hạt nhân hóa chỉ làm gia tăng thêm hoài nghi về cam kết phi hạt nhân hóa của cả Mỹ lẫn Triều Tiên”. Theo hãng AFP, Tổng thống Trump dùng cả cây gậy và củ cà rốt, một mặt ca ngợi Triều Tiên có thể là “cường quốc kinh tế”, nhưng một mặt vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng có “bước đi ý nghĩa”. Trong lúc đó, Bình Nhưỡng khẳng định, nước này đã có những “bước đi ý nghĩa” như thế: không thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân hơn 1 năm nay.
GS. Kim Yong-hyun ở Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cho rằng, kịch bản tốt nhất là Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un thống nhất lộ trình phi hạt nhân hóa. Theo đó, Triều Tiên có thể đồng ý “những giải pháp hữu hình, mang tính biểu tượng” như đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon hoặc dỡ bỏ các tên lửa đạn đạo. Mỹ có thể cam kết bảo đảm an ninh bằng việc tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, hoặc mở các văn phòng liên lạc.
Hôm nay (26-2), Tổng thống Mỹ đến Hà Nội Trong cuộc họp báo quốc tế sáng 25-2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho biết, chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào tối 26-2. Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai là sự kiện quốc tế được quan tâm hàng đầu của các quốc gia, dư luận thế giới vì liên quan đến hòa bình của một khu vực quan trọng. Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh: Được chọn là nơi tổ chức cuộc gặp, Việt Nam rất tự hào và có sự chuẩn bị tốt nhất nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối. Đây cũng là sự kiện chính trị - ngoại giao quan trọng nhất trong năm 2019 của Việt Nam. Việt Nam mong muốn giới thiệu những thành tựu của quá trình đổi mới toàn diện trong nhiều thập niên qua; giới thiệu về đất nước, thủ đô Hà Nội nhiều năm văn hiến, đặc biệt năm nay đúng 20 năm được nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình của UNESCO. Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, dư luận quốc tế đánh giá cao, cho rằng việc lựa chọn Hà Nội - Việt Nam là địa điểm thuận lợi và có ý nghĩa, vì khả năng của Việt Nam đã được thể hiện qua thực tế tổ chức những sự kiện quốc tế lớn và những chuyến thăm song phương của các nước. Việt Nam cũng là mối quan tâm của quốc tế về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, về hội nhập quốc tế trong nhiều năm qua, có quan hệ tốt với cộng đồng quốc tế, có quan hệ tốt với cả Triều Tiên và Mỹ. Dịp này, Tổng thống Donald Trump sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng sẽ thăm chính thức Việt Nam, đây là hoạt động thăm chính thức của nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Triều Tiên thăm Việt Nam trong 50 năm qua. Theo chinhphu.vn |
PHÚC NGUYÊN