Cơ hội lịch sử của Việt Nam

.

Báo chí quốc tế cho rằng, đối với Việt Nam, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội là một cơ hội lịch sử để tái khẳng định đường lối đối ngoại “đa dạng hóa, đa phương hóa” của đất nước trong thời kỳ mới.

Đoàn xe chở nhà lãnh đạo Triều Kim Jong-un di chuyển trên đường phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Đoàn xe chở nhà lãnh đạo Triều Kim Jong-un di chuyển trên đường phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN
3.000 là số lượng phóng viên quốc tế của hơn 200 hãng thông tấn báo chí từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến Việt Nam. 550 phóng viên trong nước cũng tham gia đưa tin hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Con số này lớn hơn số lượng phóng viên tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Theo hãng thông tấn Reuters cho rằng, từ sự kiện lớn lần này, rất có thể Việt Nam sẽ đẩy mạnh vị thế của mình trên trường quốc tế. Các nhà ngoại giao phương Tây và châu Á đang kỳ vọng Việt Nam sẽ ủng hộ mọi hình thức cải cách tại CHDCND Triều Tiên mà hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều mang lại. Đặc biệt, khi Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN 2020 và có thể trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2021, sự ủng hộ của Việt Nam sẽ mang nhiều ý nghĩa thiết thực hơn nữa. Hãng Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây nhận định: “Việc tổ chức một sự kiện như thế chính là một bước tiến lớn đối với Hà Nội”.

Một ngày trước khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên chính thức gặp gỡ, hãng AP dành một bài viết để giới thiệu và đánh giá mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Bài viết nhấn mạnh, cuộc cải cách “Đổi Mới” năm 1986 của Việt Nam có thể trở thành một mô hình tham khảo cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhiều bài báo quốc tế cho rằng, đây cũng là một trong những lý do ông Trump chọn Hà Nội làm nơi diễn ra sự kiện lịch sử lần này.

Dưới góc độ của các nhà nghiên cứu, việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai được tổ chức ở Việt Nam mang nhiều lý do hơn tính biểu tượng nói trên. Hãng AP dẫn lời nhà nghiên cứu Carl Thayer (Đại học New South Wales, Úc) cho rằng, Việt Nam “được lòng” các bên liên quan vì có thể tạo ra môi trường an ninh chất lượng cao cho cuộc gặp. Theo ông Thayer, thông qua sự kiện lần này, chủ nhà Việt Nam có thể tái khẳng định đường lối đối ngoại “đa dạng hóa, đa phương hóa” mà đất nước theo đuổi kể từ sau công cuộc đổi mới.

Trong khi đó, ông Beni Sukadis, Điều phối viên Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi) cho rằng, Việt Nam hiện có vị trí quan trọng về cả kinh tế lẫn chính trị đối với Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Còn đối với Triều Tiên, Việt Nam là quốc gia có quan hệ truyền thống tốt, thể hiện vai trò trung lập.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng khiến các trang mạng xã hội của các phóng viên, nhà báo quốc tế “rộn ràng” hơn. Tranh thủ những ngày trước khi bước vào sự kiện chính, các phóng viên nước ngoài tại Hà Nội đã thưởng thức các đặc sản, tìm hiểu cuộc sống của những người dân bình thường ở thủ đô, thậm chí chụp ảnh cơ sở hạ tầng mà Việt Nam đã chuẩn bị để đưa lên các trang mạng xã hội cá nhân. Nhà báo John Hudson (chuyên trách mảng ngoại vụ, báo Washington Post) đăng tải tấm ảnh Trung tâm Báo chí tại Cung Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) lên Twitter kèm theo lời bình: “Rất nhiều công sức đã được đổ vào đây để tạo ra Trung tâm Báo chí này”.

Trong khi đó, phóng viên Bhavan Jaipragas (báo South Morning China Post) tỏ ra hào hứng với các món ăn đặc sắc của Việt Nam. Anh viết trên Twitter: “Tin rất, rất quan trọng đây. Một quan chức cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các nhà báo tại Trung tâm Báo chí sẽ được thưởng thức những món đặc sản của Việt Nam như: nem, phở, xôi và thịt nướng”. Nhóm phóng viên Reuters chụp ảnh cả đoàn trước một tiệm bánh mì và đăng lên Twitter cùng lời bình: “Rủ nhau đi ăn món bánh mì ngon nhất Hà Nội”. Phóng viên Josh Berlinger của CNN chụp ảnh món chả cá trứ danh của Hà Nội và viết” “Đây là món cá rán độc đáo của Hà Nội. Có một con đường tại thủ đô được đặt theo tên món ăn này”.

"Tôi tin rằng Hà Nội được chọn làm nơi tổ chức hội nghị bởi Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm trong chính sách đối ngoại của mình. Việt Nam là đất nước cởi mở hợp tác với tất cả quốc gia, luôn trân trọng quan hệ hữu nghị và không gây thù địch với bất cứ ai”
 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

KHANG NINH tổng hợp

;
;
.
.
.
.
.