Cuộc gặp này được dư luận Mỹ trông chờ rất nhiều vì ở cuộc gặp lần đầu tiên tại Singapore chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore, tháng 6-2018. Ảnh: Reuters. |
Trong thời gian qua, chính giới và các phương tiện truyền thông của Mỹ liên tục đề cập tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội. Đã có nhiều bài phân tích và nhiều cuộc thảo luận về đề tài này, đặc biệt là trong giới nghiên cứu và phân tích chính trị cũng như các viện nghiên cứu của Mỹ. Cuộc gặp này được dư luận Mỹ trông chờ rất nhiều vì ở cuộc gặp lần đầu tiên tại Singapore tháng 6-2018, hai bên đã hầu như chưa đạt được một thỏa thuận nào cụ thể mà chỉ có một bản tuyên bố chung được đưa ra với không nhiều nội dung.
Kể từ đó thì quá trình đàm phán giữa hai bên hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. Có nhiều ý kiến cho rằng, đàm phán phi hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang bế tắc vì kể từ tháng 6-2018 vẫn chưa có tiến triển đáng kể nào tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cuộc gặp sắp tới là một đột phá khi hai bên vẫn còn có thể ngồi lại với nhau để cùng thảo luận và tìm ra tiếng nói chung.
Chính vì vậy mà dư luận Mỹ kỳ vọng cuộc gặp lần này sẽ có được các kết quả cụ thể, không chung chung và mang tính biểu tượng như cuộc gặp trước, hoặc ít nhất cuộc gặp này sẽ vạch ra được một lộ trình cụ thể, mở đường cho các cuộc đàm phán sâu hơn sau này. Tuy nhiên, mặc dù kỳ vọng là vậy, nhưng có không ít ý kiến lo ngại rằng Tổng thống Donald Trump, với tính khí bốc đồng của mình và sự nôn nóng muốn có một thỏa thuận với Triều Tiên, có thể sẽ đưa ra những nhượng bộ quá đà khiến sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á bị ảnh hưởng.
Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên đã không đạt được một thỏa thuận cụ thể, chính vì vậy mà cuộc gặp lần này tại Hà Nội được kỳ vọng hơn rất nhiều vì nếu cuộc gặp này cũng không có được một kết quả cụ thể thì đây sẽ là một thất bại mà chắc chắn cả Mỹ và Triều Tiên đều không mong muốn, do đó thì đây cũng là một sức ép đối với cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un.
Đã có nhiều cuộc thảo luận với sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu và phân tích chính trị được tổ chức để nhận định về triển vọng cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần II và theo nhiều ý kiến thì chắc chắn cuộc gặp này sẽ có đột phá, nhưng vấn đề quan trọng là ở mức độ nào và với sự nhượng bộ của các bên ra sao.
Có 3 vấn đề chính mà cuộc gặp lần thứ nhất nêu ra đó là bình thường hóa quan hệ chính trị Mỹ-Triều, Hiệp định hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Như vậy, cuộc gặp ở Singapore là đưa ra một tuyên bố về nguyên tắc còn cuộc gặp tại Việt Nam sẽ là lúc cần cụ thể hóa lộ trình thực hiện các vấn đề này như thế nào.
Có rất nhiều kịch bản dự báo kết quả của cuộc gặp lần thứ 2 nhưng tất cả đều chung quan điểm rằng, đây mới chính là điểm khởi đầu để cho các cuộc đàm phán chi tiết và thực chất diễn ra để tiến tới giải quyết dần các bất đồng giữa hai bên và các bất đồng này sẽ không thể giải quyết một sớm một chiều nên 1 hay 2 cuộc gặp sẽ là không đủ mà còn sẽ cần nhiều thượng đỉnh Mỹ-Triều hơn nữa sau này.
Theo VOV