Mỹ - Triều: Thúc đẩy ngoại giao trước cuộc gặp thượng đỉnh

.

Chỉ còn 1 tuần nữa diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội (Việt Nam), cả Washington lẫn Bình Nhưỡng đều đang thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao để cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đạt những kết quả thực chất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ tại Singapore ngày 12-6-2018. 			  Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ tại Singapore ngày 12-6-2018. Ảnh: Reuters

Hãng Yonhap cho biết, sáng 19-2, Đặc phái viên của CHDCND Triều Tiên về Mỹ, ông Kim Hyok-chol đến thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và tới Hà Nội vào cuối ngày để bàn chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Theo đó, ông Kim Hyok-chol sẽ gặp Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tại Hà Nội.

Chuyến đi của ông Kim Hyok-chol diễn ra sau khi đoàn tiền trạm Triều Tiên đến Hà Nội để bàn thảo với phái đoàn Mỹ về công tác tổ chức và an ninh cho hội nghị thượng đỉnh. Tham gia đoàn tiền trạm có ông Kim Chang-son, người đứng đầu Ủy ban Các vấn đề Nhà nước của Triều Tiên.  

Hồi đầu tháng 2, ông Kim Hyok-chol và ông Stephen Biegun đã trao đổi với nhau trong 3 ngày ở Bình Nhưỡng nhằm “dọn đường” cho hội nghị thượng đỉnh lần hai dự kiến diễn ra vào ngày 27 và 28-2. Sự kiện sắp tới được kỳ vọng đạt được những thỏa thuận cụ thể hơn so với hội nghị lần 1 vào tháng 6-2018 ở Singapore về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên cũng như cam kết an ninh của Washington với Bình Nhưỡng.

Theo hãng tin CNN, Mỹ và CHDCND Triều Tiên đang nghiêm túc xem xét việc trao đổi liên lạc viên, động thái có thể mở đường để hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và đây cũng là bước tiến mới nhất trong cam kết bình thường hóa quan hệ. Với tình trạng bế tắc trong quan hệ Mỹ - Triều kể từ hội nghị thượng đỉnh lần 1, Bình Nhưỡng kỳ vọng một số động thái rõ ràng hơn từ phía Washington trong vấn đề này. Washington dự kiến điều động một số liên lạc viên để thành lập văn phòng tại Triều Tiên.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký tuyên bố chung, cam kết “thiết lập mối quan hệ Mỹ - Triều mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng”. Nhưng đến nay, Mỹ và CHDCND Triều Tiên vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức; kênh liên lạc chính vẫn thông qua phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ). Trong khi đó, công dân Mỹ tại Triều Tiên dựa vào Đại sứ quán Thụy Điển để đáp ứng các yêu cầu về lãnh sự.

Ông Trump và ông Kim Jong-un cũng đã cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhưng không đưa ra được các bước đi cụ thể nhằm đạt mục tiêu này. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là tại hội nghị thượng đỉnh lần 2, Mỹ sẽ chấp nhận nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên trước hay sau khi Bình Nhưỡng thực hiện những bước đi cần thiết để chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Hãng Fox News, một trong những kênh truyền thông ở Mỹ thân với Tổng thống Trump, đã bày tỏ quan điểm ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới và cho rằng mọi thỏa thuận có thể được coi là thành công. Còn trang web tuyên truyền Meari của CHDCND Triều Tiên bày tỏ lạc quan về việc mối quan hệ Mỹ - Triều có thể tạo “đột phá lớn”.

Trong lúc đó, báo The Telegraph dẫn những thông tin cho rằng, nội dung các cuộc gặp gỡ cấp cao trước thềm hội nghị thượng đỉnh có thể bao gồm việc Bình Nhưỡng đóng cửa trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân chính ở Yongbyon để đổi lấy việc được dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt hoặc tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Song, ông Kim Jong-un có thể sẽ đòi hỏi từ phía Tổng thống Trump nhiều hơn thế, chứ không đơn thuần một tuyên bố hòa bình, và gây áp lực để người đứng đầu Nhà Trắng nới lỏng lệnh trừng phạt hay giảm số lượng binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.