Thông điệp liên bang thường niên trước Quốc hội của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20-2 chủ yếu đề cập các vấn đề trong nước, trong đó nhấn mạnh quốc gia này phải tăng tốc hướng về phía trước và cải thiện đời sống của người dân ngay trong năm 2019.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang trước Quốc hội.Ảnh: TASS |
Đây là Thông điệp liên bang đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư của ông Vladimir Putin và là bản thông điệp thứ 15 của nhà lãnh đạo này khi giữ cương vị lãnh đạo cao nhất đất nước.
Hành động ngay để mọi việc tốt đẹp hơn
Hãng TASS của Nga cho biết, mở đầu Thông điệp liên bang trước 2.000 quan chức cấp cao và nghị sĩ, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Chính phủ Nga có nghĩa vụ tăng tốc hướng về phía trước. Chúng ta không thể lặp lại những sai lầm trong quá khứ và phải hành động ngay để mọi việc tốt đẹp hơn”. Theo ông, chính phủ trước hết cần chịu trách nhiệm về những thay đổi tốt hơn của đất nước. “Chúng ta không thể chờ đợi, tình hình phải được thay đổi ngay để trở nên tốt hơn. Hoạt động của chính quyền các cấp phải trôi chảy, mạnh mẽ và có chiều sâu. Chính phủ Nga phải chịu trách nhiệm về điều này”, Tổng thống Putin nói.
Ông chủ Điện Kremlin gọi các dự án ưu tiên quốc gia, vốn đang được thực hiện trên khắp đất nước, là chiến lược và mọi công dân phải có vai trò đóng góp. Theo đó, năm 2019, người dân cảm thấy cuộc sống được cải thiện nhờ thực hiện các dự án quốc gia và dựa trên đánh giá của chính người dân; đến đầu năm 2020 sẽ tổng kết việc thực hiện các dự án quốc gia và đánh giá kết quả hoạt động của chính quyền các cấp. Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh: Các quan chức nếu không có khả năng làm việc với cường độ cao để thực hiện các kế hoạch phát triển đất nước thì nên từ chức.
19 triệu người sống dưới mức nghèo
Theo Tổng thống Putin, trong số gần 147 triệu người dân Nga, vẫn còn khoảng 19 triệu người sống dưới mức nghèo, với 160 USD/tháng. Ông đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói, trong đó tập trung các trường hợp là những người nhận trợ cấp, gia đình đông con và gia đình có người ốm đau, bệnh tật…
Tổng thống Putin cho biết, chính phủ đã có nhiều biện pháp giúp người dân thoát nghèo, bao gồm việc đào tạo các kỹ năng làm việc, giúp họ có việc làm và giải quyết những vấn đề trước mắt. Ông hứa giảm thuế, ban hành lãi suất thế chấp thấp hơn và trợ cấp nhà ở cho các gia đình đông con. “Chúng tôi đã làm và sẽ làm mọi việc để củng cấp các giá trị của gia đình. Thu nhập của các gia đình người dân Nga sẽ gia tăng”, Tổng thống Putin cam kết.
Nhà lãnh đạo Nga đồng thời khẳng định cải thiện hệ thống y tế sẽ là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của chính phủ bởi nhiều người dân vẫn chưa hài lòng với việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là tại những vùng xa xôi hẻo lánh. Ông Putin kêu gọi hiện đại hóa các trung tâm y tế và yêu cầu mọi khu vực ở Nga phải bảo đảm về dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước năm 2020.
Để ngỏ đối thoại hạt nhân với Mỹ
Hãng AP dẫn lời Tổng thống Putin nói rằng, Nga muốn mối quan hệ hữu nghị với Mỹ và bày tỏ hy vọng hàn gắn quan hệ với cường quốc hàng đầu thế giới. “Chúng tôi không muốn đối đầu, nhất là với một cường quốc toàn cầu như Mỹ”, ông Putin cho hay, đồng thời chỉ trích những gì được cho là chính sách phá hoại của Washington nhằm vào Nga bằng các biện pháp trừng phạt.
Về hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đang có nguy cơ đổ vỡ, Tổng thống Nga cho biết, Moscow vẫn để ngỏ đối thoại kiểm soát vũ khí với Mỹ. Theo đó, Nga sẵn sàng đàm phán về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân khi Mỹ sẵn sàng ngồi vào bàn nghị sự, chứ Moscow sẽ không “kích hoạt” các cuộc đàm phán như thế.
Cũng theo Tổng thống Putin, Nga sẽ đáp trả nếu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tầm trung ở châu Âu bằng việc không chỉ nhắm vào những quốc gia nơi Washington đóng quân, mà còn chính Mỹ. Phản ứng của Nga trước mọi hành động triển khai tên lửa sẽ kiên quyết. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần tính toán những rủi ro trước khi có bất kỳ bước đi nào. Hãng Reuters cho rằng, đây là phát biểu cứng rắn nhất của Tổng thống Putin khi đứng trước nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF - hiệp ước được ký kết năm 1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988.
Theo đó, Mỹ và Nga cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km). Hồi đầu tháng 2 này, Nga cũng thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng.
Khảo sát của Trung tâm Levada độc lập ở Nga công bố hồi tháng 1 vừa qua cho thấy, tỷ lệ người dân ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin là 64%. Đây là con số quá cao so với nhiều nhà lãnh đạo phương Tây nhưng là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất đối với Tổng thống Putin trong 5 năm qua. |
THIÊN BÌNH