Đất nước Thái Lan nổi tiếng xinh đẹp nhưng lại có tình trạng tai nạn giao thông đường bộ gây chết người khủng khiếp, đứng đầu Đông Nam Á.
Những người tham gia giao thông bằng xe máy ở Thái Lan. Ảnh: Getty. |
Lái xe ở Thái Lan có thể là một trải nghiệm dựng tóc gáy. Trong dịp “7 ngày nguy hiểm” đầu năm mới, các lái xe ở đây đặt số mệnh của bản thân ở trong chính bàn tay mình.
Giới chức Thái Lan cho biết, lễ hội đầu năm nay ở nước này chứng kiến những điều tệ hại như sự gia tăng các vụ va chạm xe cộ cùng số người tử vong và bị thương, khi dịp này rất nhiều người Thái Lan đi thăm bạn bè hoặc gia đình, quê hương.
Nguyên nhân tai nạn giao thông đường bộ ở Thái Lan có nhiều: lái xe trong tình trạng say rượu, cảnh sát nhận hối lộ, và việc thực thi luật giao thông nói chung là yếu kém. Các nỗ lực hạn chế các nguyên nhân này cho tới nay vẫn kém hiệu quả.
Nạn nhân phần lớn là người đi xe máy
Theo Cục Ngăn ngừa và Giảm nhẹ Thiên tai của Thái Lan, từ ngày 27-12-2018 đến ngày 2-1-2019, tổng cộng 463 người đã tử vong trong 3.791 vụ tai nạn giao thông, nhỉnh hơn một chút so với con số của năm trước đó.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm ở Thái Lan có 22.941 người chết vì tai nạn giao thông đường bộ, khiến cho đường bộ ở Thái Lan là nơi chết chóc nhất Đông Nam Á xét về khía cạnh giao thông.
Tổng số 22.941 người chết một năm nói trên ứng với 62 ca tử vong mỗi ngày, chỉ thấp hơn một chút so với mức trung bình 66 người tử vong mỗi ngày trong dịp năm mới.
Đa phần các ca tử vong đó (73%) thuộc về những người đi xe máy. Số lượng xe máy tại Thái Lan đã bùng nổ trong vài thập kỷ qua - đây là phương tiện đi lại phổ biến nhất của hầu hết các hộ gia đình ở quốc gia Đông Nam Á này.
Vấn đề pháp luật
Một trong những trở ngại lớn nhất đối với an toàn giao thông ở Thái Lan là việc thực thi luật rất yếu kém tại đây. Đơn vị An toàn Giao thông của Bộ Nội vụ Thái Lan cho hay, đa phần trường hợp thiệt mạng trong dịp năm mới (41,5%) là do say rượu khi lái xe, và có tới 28% trường hợp là do phóng nhanh vượt ẩu.
Tỉnh Chiang Mai ở miền bắc Thái Lan là một điểm nóng về an toàn giao thông. Dịp Tết Dương lịch vừa qua, đây là địa phương có số vụ tai nạn lớn thứ nhì Thái Lan.
Trong các năm gần đây, số các điểm chốt cảnh sát giao thông ở thủ phủ tỉnh Chiang Mai đã gia tăng và có thêm biển báo yêu cầu người điểu khiển xe máy đội mũ bảo hiểm.
Nhưng ở nhiều khu vực trong thành phố Chiang Mai, có vẻ như các chốt cảnh sát giao thông chủ yếu để phục vụ việc... mãi lộ hơn là bảo đảm an toàn đường bộ. Người ta không khó để bắt gặp cảnh các tài xế ở Chiang Mai bị cảnh sát dừng xe vì không có mũ bảo hiểm hoặc không có bằng lái, và rồi một lát sau họ lại nhảy lên xe và phóng đi sau khi đã trả “tiền phạt”.
Nikorn Jumnong, cựu Thứ trưởng Bộ Vận tải Thái Lan và Chủ tịch Quỹ An toàn Nhân dân, nói với CNN rằng nếu muốn nâng cao an toàn giao thông đường bộ thì phải ngăn chặn loại tham nhũng nói trên.
Ông Nikorn nói: “Đây là một trong các vấn đề lớn của chúng ta và nó có lỗi từ cả 2 phía. Những người thi hành công vụ bị tha hóa đã tận dụng các lỗ hổng trong luật, còn người dân tham gia giao thông thì lại cũng không chịu tuân thủ luật nốt”.
Trên toàn quốc Thái Lan, chỉ hơn một nửa số người lái xe máy là đội mũ bảo hiểm. Đối với ô tô, chỉ có 58% tài xế và 20% số người được chở là chịu thắt dây an toàn, theo báo cáo của WHO.
Tất nhiên các con số trên đã cải thiện so với một thập kỷ trước. Nhưng tổ chức WHO ước tính rằng nếu mọi người đi xe máy đều đội mũ bảo hiểm thì có thể ngăn ngừa tới 40% số ca tử vong.
Bên cạnh vấn đề không đội mũ bão hiểm và thắt dây an toàn, các vấn nạn khác như lái xe trong tình trạng say rượu, phóng quá tốc độ hay thiếu sự kiểm soát đối với trẻ em đều rất nghiêm trọng.
Nikorn đánh giá: “Chúng tôi cần thay đổi ADN của đất nước này (ám chỉ văn hóa giao thông đã hằn sâu vào một bộ phận người dân Thái Lan - ND) và bản năng của chúng tôi trong thực thi pháp luật. Việc giáo dục thực thi pháp luật đóng vai trò then chốt. Chúng tôi có quá nhiều bộ luật và tôi cho rằng các luật đó là tốt và phong phú, nhưng vẫn còn đó câu chuyện thực thi nữa”.
Thái Lan đã đạt một số tiến bộ nhất định. Tỷ lệ tử vong trên đường bộ đã giảm từ 36,2% trong số 100.000 người vào năm 2015 xuống 32,7% trong số 100.000 người trong báo cáo mới nhất của WHO.
Nhìn ra toàn cầu
Thái Lan không phải là quốc gia duy nhất phải chật vật bảo đảm an toàn trên các tuyến đường bộ. Nguy cơ tử vong do tai nạn đường bộ ở các nước nghèo thường cao gấp 3 lần so với các nước giàu có.
Theo truyền thông Việt Nam, có tới 111 người tử vong trong 147 vụ tai nạn chỉ trong 4 ngày tính từ ngày 29-12-2018 đến 1-1-2019.
Trên thế giới, Trung tâm Pulitzer gọi tai nạn đường bộ là “nạn dịch” và là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 9 đối với người dân thuộc mọi lứa tuổi, trên cả HIV-AIDS và bệnh lao. Theo các con số do WHO đưa ra, có 1,35 triệu người trên toàn cầu thiệt mạng trên các con đường bộ vào năm 2016.
Michael R Bloomberg - Đại sứ Toàn cầu của WHO về các chấn thương và các bệnh không truyền nhiễm, ra thông cáo khẳng định: “An toàn giao thông đường bộ chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng và đây là một trong các cơ hội lớn để chúng ta nỗ lực cứu các sinh mạng trên khắp thế giới”.
Ông Bloomberg nói tiếp: “Chúng ta biết những sự can thiệp nào là có tác dụng. Các chính sách mạnh mẽ cùng việc thực thi hiệu quả, thiết kế đường sá thông minh, và các chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng có khả năng cứu hàng triệu mạng người trong các thập kỷ tới”.
Theo VOV-CNN