Thượng đỉnh Mỹ - Triều và thông điệp hòa bình

.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai diễn ra vào ngày 27 và 28-2 tại Hà Nội (Việt Nam), nhiều tín hiệu cho thấy triển vọng thành công của sự kiện này, khi Tổng thống Donald Trump đề cập khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên…

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ tại Singapore vào tháng 6-2018. 						                Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ tại Singapore vào tháng 6-2018. Ảnh: Getty Images

Hãng Reuters cho biết, phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng vào ngày 20-2 (giờ Washington), Tổng thống Donald Trump bày tỏ hy vọng sẽ gặp lại nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội vào ngày 27 và 28-2 tới. Ông chủ Nhà Trắng cho hay, chuyến đi Việt Nam của ông vào tuần tới sẽ “rất thành công” và dự đoán cuộc gặp kéo dài 2 ngày với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ “gặt hái được rất nhiều”. “Điều đó không có nghĩa đây là cuộc gặp cuối cùng... Chúng tôi sẽ có những chủ đề thảo luận rất hiệu quả”, ông Trump nói, đồng thời hàm ý rằng Washington sẽ xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt nếu Bình Nhưỡng làm “điều gì đó có ý nghĩa” trong việc phi hạt nhân hóa.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được kỳ vọng sẽ cụ thể hóa những cam kết mà Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un đã nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore vào tháng 6-2018 nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Trump nói rằng, ông nghĩ CHDCND Triều Tiên không miễn cưỡng phi hạt nhân hóa mặc dù thiếu tiến trình cụ thể kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần 1. “Tôi nghĩ họ không miễn cưỡng. Tôi nghĩ họ muốn làm một điều gì đó”, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh và nói thêm rằng ông cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có “mối quan hệ tốt”.

Sự kiện tại Singapore vào năm ngoái là lần gặp gỡ đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm với một nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên. Ông Kim Jong-un đã cam kết thúc đẩy hoàn tất việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, nhưng các cuộc đàm phán cấp cao giữa Washington và Bình Nhưỡng sau đó ít có tiến triển. Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Mỹ giữ quan điểm duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên cho đến khi đạt được kết quả phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Ngày 19-2, Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn chứng kiến “sự phi hạt nhân hóa tối đa” của Triều Tiên, nhưng lưu ý rằng ông “không vội vàng” vì các biện pháp trừng phạt vẫn có hiệu lực và Bình Nhưỡng đã kiềm chế thử hạt nhân cũng như tên lửa.

Đối với ông Kim Jong-un, điều mà nhà lãnh đạo này muốn là một hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, thay cho hiệp định đình chiến vào năm 1953. Thực chất hiệp định đình chiến lúc đó là một thỏa thuận ngừng bắn được Triều Tiên, Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu gồm 17 quốc gia ký kết. Hiệp ước hòa bình nếu có thì sẽ mang lại cho Triều Tiên và cá nhân ông Kim Jong-un nhiều điều, trong đó có sự thừa nhận của quốc tế về ngoại giao đối với Bình Nhưỡng; nới lỏng các biện pháp trừng phạt; tăng trưởng kinh tế; hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên…

Trong lúc đó, báo Nikkei Asian Review cho rằng, với việc lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, Tổng thống Trump muốn gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng rằng, những quốc gia từng xảy ra chiến tranh với nhau vẫn có thể xây dựng mối quan hệ tích cực; Bình Nhưỡng có thể duy trì chế độ của mình; quốc gia ở phía bắc trên bán đảo Triều Tiên có thể tập trung cải cách kinh tế thay vì phát triển vũ khí hạt nhân.

Nhiều thông điệp hòa bình đã được đưa ra mặc dù còn gần một tuần nữa mới diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Theo Reuters, Ủy ban Giám sát trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã tạm miễn lệnh cấm đi lại đối với 12 quan chức Triều Tiên nhằm tạo điều kiện cho phái đoàn Bình Nhưỡng đến Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh. Kể từ năm 2006, Liên Hợp Quốc cấm đi lại và đóng băng tài sản toàn cầu đối với 12 quan chức Triều Tiên nhằm lên án chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.