Xây dựng lòng tin và tạo đột phá

.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai diễn ra trong hai ngày 27 và 28-2 tại thủ đô Hà Nội (Việt Nam) hiện là tâm điểm chú ý của cả cộng đồng quốc tế. Vậy dư luận chờ đợi gì từ cuộc gặp lần này?
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hết sức nan giải, tồn tại hàng chục năm nay. Các bên liên quan đã nỗ lực tìm cách hóa giải. Tuy nhiên, vẫn còn những bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Để hóa giải vấn đề hóc búa nói trên, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6-2018 tại Singapore được cho là bước khởi đầu đáng khích lệ. Hai bên đã ra tuyên bố chung với cam kết “phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, do không đưa ra lộ trình cụ thể để “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” nên đàm phán Mỹ - Triều sau đó bế tắc. Các nhà thương thuyết của Mỹ và Triều Tiên đã ráo riết đàm phán để chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội với mong muốn mang lại một thỏa thuận thực chất, một kết quả cụ thể.

Do vậy, cuộc gặp thượng đỉnh lần hai được xem là cơ hội để Mỹ và Triều Tiên xây dựng lòng tin, tạo ra bước đột phá trong đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa, tiến tới thiết lập nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên sau gần 70 kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

TS. Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho rằng, sự lạc quan nhất định về triển vọng cũng như kết quả của đàm phán Mỹ - Triều lần hai xuất phát từ nhu cầu thực tế của cả hai bên. Phía Triều Tiên muốn có tiến triển để khai thông quan hệ với Mỹ, từ đó tạo bước đột phá trong cải cách đất nước cũng như cải cách chính sách đối ngoại, thoát khỏi thế bao vây, cô lập, cấm vận. Phía Mỹ cũng muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên để có thể tập trung nguồn lực đối phó với các thách thức an ninh chủ chốt cũng như tạo uy tín cho Tổng thống Trump trước thềm bầu cử vào năm tới.

GS. Georgi Toloraya, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga (Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) trả lời báo chí mới đây cũng cho biết, một tuyên bố chung của thượng đỉnh Mỹ - Triều đã được chuẩn bị nhưng chưa hoàn tất vì các cuộc đàm phán có liên quan sẽ chỉ diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh. Phía Mỹ cũng để ngỏ khả năng có một tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Ngoài ra, Washington gần đây không còn yêu cầu Triều Tiên “phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức” mà cho rằng tiến trình này có thể được tiến hành từng bước.

GS. Toloraya nhận định, Mỹ dường như đã chấp nhận việc Triều Tiên sẽ dần dần cung cấp thông tin về toàn bộ hoạt động chế tạo hạt nhân của nước này, tùy theo các bước đi đáp lại của Washington. Không những vậy, Mỹ cũng thể hiện sẵn sàng thảo luận vấn đề thành lập các phái bộ liên lạc, được đặt ra hơn 20 năm trước từ thời Tổng thống Bill Clinton nhưng chưa thành công. Nếu Mỹ và Triều Tiên mở phái bộ liên lạc này, đây sẽ là kênh liên lạc trực tiếp đầu tiên giữa hai nước.

Có thể thấy vấn đề phi hạt nhân hóa đang là con bài chủ chốt của Triều Tiên để đàm phán với Mỹ. Vì vậy, nếu Mỹ không nhượng bộ hay không đưa ra lộ trình để bảo đảm cùng hướng tới một kết quả hai bên cùng có lợi, Triều Tiên không dễ dàng từ bỏ con bài của mình. Trong đàm phán lần này, vấn đề mấu chốt là làm sao để hai bên có thể có định nghĩa rõ ràng về “phi hạt nhân hóa” và từ đó vạch ra lộ trình để đáp ứng được nguyện vọng của cả Mỹ lẫn Triều Tiên. Song, tiến trình để hóa giải vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không thể một sớm một chiều, mà cần phải có nhiều thời gian hơn; cần có những cuộc đàm phán lần 3, lần 4, thậm chí nhiều vòng nữa trong tương lai.

Song, việc xây dựng lòng tin, tạo ra những hướng đi mang tính đột phá tại hội nghị thượng đỉnh lần hai này để từ đó gợi mở các bước đi tiếp theo là vô cùng cần thiết cho cả hai bên và cộng đồng quốc tế. Nói cụ thể hơn, đó là một lộ trình đàm phán giữa hai bên để có thể đi tới giải pháp cuối cùng và thực chất. Một kết quả được cho là có thể đạt được tại cuộc gặp lần này là tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953; qua đó mở đường cho việc xây dựng lòng tin giữa hai bên, tạo thuận lợi cho đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.