Chính trường Canada “dậy sóng” khi thêm một Bộ trưởng trong nội các đã từ chức ngày 4-3 để phản đối cách làm việc của Thủ tướng Trudeau.
Thủ tướng Justin Trudeau và Bộ trưởng Tài chính Philpott. Ảnh: Reuters |
Thêm một Bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Justin Trudeau đã từ chức ngày 4-3 để thể hiện sự phản đối trước cách chính phủ ông Trudeau phản ứng với cáo buộc rằng ông và các quan chức của ông đã gây sức ép lên Bộ trưởng Tư pháp Wilson-Raybould nhằm bảo vệ một công ty Canada đa quốc gia tránh khỏi các tội danh.
Quyết định từ chức bất ngờ của Bộ trưởng Tài chính Jane Philpott đã khiến cuộc khủng hoảng chính trị ở Canada thêm căng thẳng khi trước đó, Bộ trưởng Tư pháp, một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trudeau đã từ chức.
"Tôi đã suy nghĩ về những sự việc đang làm "chao đảo" chính phủ trong những tuần gần đây và sau khi suy xét kỹ, cuối cùng tôi đã quyết định rằng tôi phải từ chức", bà Philpott khẳng định.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Trudeau đã cảm ơn bà Philpott vì những cống hiến của bà và những năm tháng bà đã phụng sự người dân Canada. Ông Trudeau được cho là sẽ giải quyết vấn đề gây tranh cãi trên vào tối 4-3 (giờ địa phương) trong một cuộc vận động gây quỹ ở Toronto.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử liên bang chỉ còn 7 tháng nữa là sẽ diễn ra, hiện ông Trudeau không chỉ cần tìm ra các biện pháp nhằm lấy lại danh tiếng mà còn phải đối mặt với nguy cơ mất quyền kiểm soát với tư cách là lãnh đạo đảng Tự do.
Ngày 4-3, Andrew Scheer - lãnh đạo đảng Bảo thủ đã nhắc lại lời kêu gọi Thủ tướng Trudeau từ chức, đồng thời kêu gọi các thành viên nội các khác nên hành động như bà Philpott.
Khi thông báo về quyết định của mình, bà Philpott đã dẫn ra những cáo buộc rằng ông Trudeau và các quan chức của ông đã gây sức ép không phù hợp lên Bộ trưởng Tư pháp Jody Wilson-Raybould để bảo vệ công ty SNC-Lavalin tránh bị xét xử sau những việc làm sai trái.
Tháng 2-2019, Bộ trưởng Tư pháp Wilson-Raybould đã quyết định từ chức và bà Philpott là một trong số ít các thành viên nội các công khai đứng về phía bà Wilson.
"Hành động theo nguyên tắc của một ai đó có thể phải trả giá nhưng từ chối các nguyên tắc ấy thì cái giá phải trả còn lớn hơn", bà Philpott biết trong đơn từ chức gửi tới Thủ tướng Trudeau ngày 4-3.
Những rắc rối của ông Trudeau bắt đầu cách đây gần 1 tháng khi tờ The Globe and Mail dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Thủ tướng Trudeau và các quan chức của ông đã gây sức ép lên bà Wilson-Raybould để vận dụng một điều luật mới được thiết lập nhằm khiến các hành động sai trái của công ty SNC-Lavalin được bỏ qua mà không bị xét xử.
Các nhà chức trách Canada đã cáo buộc công ty này trả 47,7 triệu CAD để hối lộ các quan chức Libya nhằm giành được các hợp đồng ở đây và đã lừa của chính phủ và các cơ quan nước này 129,8 triệu CAD.
Tháng 1-2019, bà Wilson-Raybould đã bị ông Trudeau thuyên chuyển từ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Tổng chưởng lý sang làm Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh. Ngày 12-2, bà Wilson-Raybould đã từ chức.
Tuần trước, trước ủy ban tư pháp Hạ viện, bà Wilson-Raybould đã nói về 10 cuộc họp, 10 cuộc hội thoại và một loạt các email trao đổi giữa bà với ông Trudeau và các quan chức của ông. Theo quan điểm của bà Wilson, những người này đã gây sức ép lên bà để thỏa thuận về trường hợp của công ty SNC-Lavalin,
Trong khi đó, ông Trudeau cho biết ông bác bỏ những cáo buộc của bà Wilson, và một số thành viên cấp cao của đảng Tự do cũng nói rằng họ có cùng quan điểm với Thủ tướng Canada.
Ken Coates - một nhà nghiên cứu lịch sử chính trị tại Đại học Saskatchewan, Saskatoon cho biết việc bà Philpott từ chức là một hành động "nổi dậy" đáng chú ý nhất của nội các trong 50 năm qua.
"Một Bộ trưởng không liên quan trực tiếp đến vấn đề này lại đứng lên phản đối và từ chức. Thật đáng ngạc nhiên", giáo sư Coates nhận định.
Theo VOV