Đàm phán Mỹ - Triều về hạt nhân: Hàn Quốc giảm vai trò trung gian?

.

Chung quanh hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, các chuyên gia cho rằng, chính phủ Hàn Quốc không thể đóng vai trò trung gian trong việc lặp lại các yêu cầu của Bình Nhưỡng về dỡ bỏ trừng phạt, hoặc vai trò của Seoul trong đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ giảm.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (bìa phải) họp Hội đồng An ninh quốc gia vào ngày 4-3 để đánh giá về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. 		                 Ảnh: Yonhap
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (bìa phải) họp Hội đồng An ninh quốc gia vào ngày 4-3 để đánh giá về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Ảnh: Yonhap

Hãng AP dẫn nhận định của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng, kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai khiến người đứng đầu Nhà Xanh bối rối bởi ông đã nỗ lực làm trung gian hòa giải, tiến đến một thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ông Moon vốn hy vọng việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên sẽ giúp tái khởi động những dự án liên Triều, bao gồm một nhà máy và một khu du lịch chung.

Theo các chuyên gia, chính phủ Hàn Quốc có thể không còn đóng vai trò cầu nối giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên bằng việc lặp lại những yêu cầu của Bình Nhưỡng về dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Những chuyên gia này còn lo lắng rằng, việc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn có thể tác động đến liên minh Mỹ - Hàn.

Ông Shin Beom-chul, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul nhận định: “Là trung gian, công việc của bạn không chỉ là yêu cầu Mỹ nhượng bộ mà còn phải đòi hỏi hành động chủ động hơn từ phía Triều Tiên trong việc hướng đến phi hạt nhân hóa”.

Tổng thống Moon Jae-in trước đó khẳng định, chính phủ Hàn Quốc sẽ một lần nữa nỗ lực đóng vai trò trung gian tích cực cho đàm phán Mỹ - Triều. Người đứng đầu Nhà Xanh thúc giục các quan chức nước ông tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc hiện tại trong đàm phán Mỹ - Triều. Trong bài phát biểu với các học viên Học viện Hải quân ngày 5-3, nhà lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định, việc theo đuổi hòa bình với Triều Tiên sẽ mang lại việc phi hạt nhân hóa và nền kinh tế hòa bình. 

Cũng trong ngày 5-3, đặc phái viên hàng đầu của Hàn Quốc Lee Do-hoon lên đường tới Mỹ để thảo luận về cách thức duy trì động lực trong nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ông Lee dự kiến gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Stephen Biegun và các quan chức cấp cao khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk cho rằng, chuyến đi của ông Lee phù hợp với “kỳ vọng và nỗ lực” của chính phủ Seoul.

Trong khi đó, về kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, một số chuyên gia ở Hàn Quốc đổ lỗi cho Mỹ. Theo cựu Bộ trưởng Thống nhất Chung Se-hyun, người từng làm cố vấn cho Tổng thống Moon Jae-in về mối quan hệ liên Triều, hội nghị không ra được tuyên bố chung là do sự hiện diện bất ngờ của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, dù tên ông không có trong danh sách các quan chức tháp tùng Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du Việt Nam.

Ông Bolton nổi tiếng có quan điểm ngoại giao cứng rắn với Triều Tiên và không mấy hứng thú với các thỏa thuận quốc tế. “Ông Bolton hiện diện tại cuộc gặp mở rộng trong ngày làm việc thứ hai là dấu hiệu cho thấy đàm phán thất bại”, ông Chung Se-hyun nói.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo bày tỏ hy vọng Washington sẽ cử một phái đoàn đến Triều Tiên trong những tuần sắp tới. “Tôi đang tiếp tục nghiên cứu để biết lợi ích chung giữa hai nước nằm ở đâu”, ông Pompeo cho hay.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên về đến Bình Nhưỡng

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã về đến ga Bình Nhưỡng vào ngày 5-3 sau chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Ông Kim rời Việt Nam vào cuối tuần qua và trở về nước bằng tàu bọc thép.  

Theo tiết lộ của ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Kim Jong-un có thể thăm Moscow trong thời gian tới. Ông Peskov hy vọng thời gian và địa điểm chính xác sẽ sớm được ấn định thông qua các kênh ngoại giao.

Cũng trong ngày 5-3, báo cáo của Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho hay, CHDCND Triều Tiên đã ngừng hoạt động lò phản ứng 5 megawatt tại tổ hợp hạt nhân ở Yongbyon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng, vào cuối năm ngoái.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.