Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc sớm hơn dự kiến vào ngày 28-2 mà không có thỏa thuận chung. Mỹ cho rằng, đàm phán giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đạt được những tiến bộ thực sự nhưng vẫn chưa đến đích.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp riêng trong 30 phút vào ngày 28-2. Ảnh: AP |
Lúc 14 giờ 10 ngày 28-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc họp báo sớm hơn 2 tiếng so với kế hoạch, sau khi ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không đạt thỏa thuận trong cuộc gặp thượng đỉnh trước đó.
Bất đồng về lệnh trừng phạt
"Tôi có thể đã ký thứ gì đó hôm nay. Nhưng tốt hơn là làm điều đúng đắn hơn là làm nhanh”
Tổng thống Mỹ Donald Trump
|
Tổng thống Donald Trump cho biết, đàm phán giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un không đi đến thống nhất do bất đồng về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Triều Tiên sẵn sàng phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyong nhưng chỉ khi Mỹ dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận trước. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump và các cố vấn không sẵn sàng thực hiện yêu cầu này. “Tôi có thể đã ký thứ gì đó hôm nay. Nhưng tốt hơn là làm điều đúng đắn hơn là làm nhanh”, ông Donald Trump nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ mô tả các cuộc đàm phán giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên trong hai ngày ở Hà Nội “mang tính xây dựng”, hai bên thống nhất rằng việc ký kết thỏa thuận không thực sự phù hợp. “Đôi khi bạn phải đi chậm rãi. Đây chỉ là một trong những lần như vậy... Chúng tôi có một vài giải pháp nhưng lần này chúng tôi quyết định không thực hiện giải pháp nào cả”, ông Trump nói, đồng thời cho rằng tuy quan điểm về phi hạt nhân hóa của nhà lãnh đạo Triều Tiên không thực sự giống Mỹ nhưng hai bên đã xích lại gần hơn rất nhiều so với một năm trước.
Tổng thống Trump cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cam kết với ông rằng, các vụ thử vũ khí sẽ không diễn ra, nhất là thử tên lửa hay bất cứ thứ gì liên quan đến hạt nhân. Song, hai bên chưa hứa hẹn tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần ba. Mỹ cần thời gian để rút ngắn khoảng cách về quan điểm với Triều Tiên liên quan vấn đề phi hạt nhân hóa. Song, ông chủ Nhà Trắng bày tỏ mong muốn sớm gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đồng thời, ông Trump không muốn gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng “vì lợi ích của người dân Triều Tiên”.
Trả lời câu hỏi về khả năng Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận, Tổng thống Donald Trump nói rằng, ông sẵn sàng làm việc với đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc để giúp Bình Nhưỡng phát triển kinh tế và giải trừ vũ khí hạt nhân. “Phi hạt nhân hóa là vấn đề mà mọi người thường đề cập và tôi vẫn nói với ông Kim rằng, Triều Tiên sẽ phát triển kinh tế mạnh mẽ nếu tiến hành phi hạt nhân hóa”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Cuộc gặp như “phim viễn tưởng”
Trong cuộc gặp kín giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 28-2, ông Kim Jong-un nói rằng, cả thế giới đang dõi theo hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và ông hy vọng đây là “một cuộc đối thoại tuyệt vời”. Ông Kim Jong-un cũng ví von, có những người chào đón hội nghị, nhưng có những người tỏ ra hoài nghi và tất cả mọi người đang theo dõi cuộc gặp giống như xem “một bộ phim viễn tưởng”.
"Có những người chào đón hội nghị, nhưng có những người tỏ ra hoài nghi và tất cả mọi người đang theo dõi cuộc gặp giống như xem một bộ phim viễn tưởng”
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
|
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lý giải, hai bên đã đạt những bước tiến thực sự trong hội nghị nhưng “chưa thể đi đến cuối con đường”. Ông Pompeo cho hay, ngay cả khi phá dỡ tổ hợp Yongbyong, Triều Tiên vẫn còn nhiều cơ sở hạt nhân và kho vũ khí khác, khiến Tổng thống Trump không thể đạt được thỏa thuận với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, ông Pompeo bày tỏ lạc quan rằng, các quan chức Mỹ và Triều Tiên có thể tiếp tục gặp gỡ trong vài tuần tới. “Chúng tôi sẽ làm việc thêm để đạt thỏa thuận, chúng tôi hiểu giới hạn thách thức. Hai bên sẽ tiếp tục làm việc để đạt được điều thế giới muốn là phi hạt nhân hóa, điều đó có lợi cho Mỹ và thế giới”, ông Pompeo nhấn mạnh.
Sau cuộc họp báo, Tổng thống Donald Trump trở về Washington. Trong khi đó, một phái đoàn Triều Tiên do Thứ trưởng Ngoại giao Ri Kil-Song dẫn đầu lên đường đến Trung Quốc vào ngày 28-2, theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA.
Phản ứng của thế giới
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, cường quốc châu Á này sẽ đánh giá hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội sau khi nhận được các thông tin chính thức từ Bình Nhưỡng và Washington. Ông Lục Khảng nói: “Kinh nghiệm 50 năm qua cho thấy, giải pháp cho vấn đề bán đảo Triều Tiên không thể đạt được một sớm một chiều. Trung Quốc hy vọng Triều Tiên và Mỹ tiếp tục đối thoại để giải quyết các vấn đề, thực sự tôn trọng những quan ngại hợp pháp của nhau và tiếp tục thể hiện sự thành thật với nhau”.
Trong cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Tokyo đang thu thập các thông tin chi tiết và toàn diện liên quan đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Ông Suga khẳng định, Nhật Bản duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ; phối hợp với Washington trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề phi hạt nhân hóa, tên lửa đạn đạo và công dân Nhật Bản bị bắt cóc.
Ông Dmitri Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, Điện Kremlin sẽ tiếp tục phân tích kết quả cuộc gặp giữa hai ông Donald Trump và ông Kim Jong-un, nhưng thực tế cho thấy cách tiếp cận “mỗi bên nhường một chút” trong đàm phán hạt nhân không hiệu quả. Phó Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Vladimir Dzhabarov nhận định, Triều Tiên sẽ không đồng ý tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ vì đây là nhân tố bảo đảm an ninh và chủ quyền của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Thượng viện Mikhail Kozlov cho rằng, Mỹ đã không nhượng bộ Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân và đây là lý do khiến hai bên không đi đến tuyên bố chung tại Hà Nội.
Phát biểu trên kênh truyền hình ARD, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Bình Nhưỡng phải được tiếp tục dù thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai có đạt kết quả hay không. “Kết quả cuối cùng mà chúng ta cần là Triều Tiên không còn vũ khí hạt nhân. Chúng ta sẽ không ngừng những nỗ lực này”, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức nhấn mạnh.
Hàn Quốc tiếc nuối
Hãng CNN dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc bày tỏ cảm giác bối rối khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều không đạt được thỏa thuận chung. “Cả thế giới đều chờ đợi một thỏa thuận và chúng tôi cũng thế”, vị quan chức này nói.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc phát thông cáo bày tỏ sự tiếc nuối vì cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un không đi đến tuyên bố chung nhưng hai bên đã có những bước tiến bộ “hơn bao giờ hết”. Thông cáo cho rằng, thiện chí đối thoại của ông Trump sẽ mở đường cho một cuộc gặp khác.
Đảng Dân chủ (DP) cầm quyền ở Hàn Quốc hy vọng nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump có thể sớm gặp lại nhau. Đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) đối lập chính cũng lấy làm tiếc về kết quả hội nghị. Đảng tự do thiểu số Dân chủ và Hòa bình (PDP) kêu gọi chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đóng vai trò tích cực trong việc tạo điều kiện cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim lần ba.
Sau khi lên chuyên cơ Air Force One trở về nước, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Moon Jae-in để thông báo kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai.
TỔNG THỐNG DONALD TRUMP:
Lập văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng là ý tưởng tuyệt vời
Tại cuộc hội đàm chính thức ngày 28-2, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hoan nghênh Mỹ mở văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng. Đáp lại, Tổng thống Donald Trump cho rằng, việc thành lập văn phòng ngoại giao tại Triều Tiên là ý tưởng tuyệt vời.
Theo AFP, Mỹ và Triều Tiên hiện chưa có văn phòng liên lạc chính thức. Điều này khiến các quan chức hai nước gặp trở ngại trong việc diễn giải các động thái cùng các diễn biến chính trị của nhau. Vì vậy, mỗi bên buộc phải dựa vào thông tin từ các kênh hậu trường và các tuyên bố trên truyền thông để phán đoán hành động của bên còn lại.
|
VĨNH AN tổng hợp