Dữ liệu ban đầu từ hai hộp đen của máy bay gặp nạn tại Ethiopia làm 157 người chết cho thấy những điểm tương đồng với vụ rơi máy bay tại Indonesia cách đây 6 tháng, làm 189 người thiệt mạng. Điều này gây áp lực đối với Boeing, hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới.
Nhiều quốc gia và các hãng hàng không đã đình chỉ việc sử dụng máy bay Boeing 737-MAX 8. Ảnh: Reuters |
Bộ Giao thông Ethiopia, giới chức Pháp và Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đều chỉ ra những điểm tương đồng giữa hai vụ tai nạn, nhưng các quan chức phụ trách an toàn hàng không vẫn nhấn mạnh rằng, kết quả điều tra này chỉ là giai đoạn đầu và phải mất vài tháng mới đưa ra kết luận. “Mọi việc sẽ được điều tra”, người phát ngôn Bộ Giao thông Ethiopia Musie Yehyies nói với Reuters.
Hãng Reuters cho biết, cả hai máy bay gặp nạn của Ethiopian Airlines và Lion Air đều là dòng Boeing 737-MAX 8, rơi chỉ sau vài phút cất cánh. Cả hai máy bay được trang bị phần mềm bay tự động có tên Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) - công nghệ khá mới đối với các máy bay dòng MAX của hãng Boeing. MCAS được Boeing đưa vào mẫu 737-MAX để ngăn ngừa nguy cơ máy bay mất độ cao trong trường hợp tốc độ bay chậm nhưng mũi máy bay lại hướng lên quá cao.
Phi công đều giàu kinh nghiệm. Cơ trưởng lái chiếc Boeing 737-MAX 8 của Ethiopian Airlines có 8.100 giờ bay, cơ phó trải qua 350 giờ bay. Cơ trưởng điều khiển máy bay Boeing 737-MAX 8 của Lion Air có hơn 6.000 giờ bay, cơ phó có hơn 5.000 giờ bay. Cả hai phi công cũng đều thông báo về sự cố trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar.
Ethiopia đang dẫn đầu cuộc điều tra mặc dù hai hộp đen được chuyển đến Pháp và có sự tham gia của các chuyên gia Mỹ. Theo đó, cuộc điều tra tập trung xem xét MCAS. Theo điều tra của báo The Seattle Times, có nhiều vấn đề với MCAS. Báo này đã đề nghị phản hồi từ Boeing và FAA.
Boeing khẳng định hãng đang chuẩn bị hoàn tất quy trình cập nhật phần mềm và chương trình huấn luyện phi công liên quan MCAS. Việc cập nhật phần mềm giúp khắc phục sự cố hệ thống MCAS trong trường hợp dữ liệu cảm ứng đầu vào bị lỗi. Một chương trình huấn luyện cụ thể sẽ chỉ được hoàn thiện sau khi lỗi phần mềm được khắc phục. Dự kiến Boeing sẽ công bố phần mềm và chương trình huấn luyện mới trong vòng 7-10 ngày tới.
Sau vụ tai nạn của chiếc Boeing 737-MAX 8 thuộc hãng Lion Air hồi tháng 10-2018, Boeing gửi thông báo đến các hãng hàng không khai thác 737-MAX 8, hướng dẫn phi công cách kiểm soát hệ thống MCAS và cho biết đang cập nhật phần mềm của hệ thống. Tuy nhiên, Boeing bị chỉ trích về việc không kịp thời thông tin cho các phi công lái dòng 737-MAX về chức năng của MCAS hay có các khóa huấn luyện sử dụng hệ thống này, dẫn tới vụ tai nạn của Ethiopia Airlines.
Cũng theo Reuters, các chuyên gia nghi ngờ quy trình cấp phép của FAA sau khi phát hiện rằng, các phi công Mỹ đã phản ánh nhiều về vấn đề liên quan hệ thống MCAS. Báo The Seattle Times thậm chí cáo buộc FAA đã cấp phép vội vàng cho dòng Boeing 737-MAX 8 chỉ vì muốn cạnh tranh với dòng A320 Neo của Airbus. Tuy nhiên, FAA khẳng định, cơ quan này đã tuân thủ mọi quy trình tiêu chuẩn khi cấp phép cho Boeing 737-MAX 8.
THIÊN BÌNH