Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định chính phủ của ông sẽ hợp tác với Mỹ và CHDCND Triều Tiên để bảo đảm Washington và Bình Nhưỡng tiến đến thỏa thuận phi hạt nhân hóa trọn vẹn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các quan chức cấp cao ăn tối tại khách sạn Metropole (Hà Nội) ngày 27-2. Ảnh: AFP/Getty Images |
Trong bài phát biểu ở thủ đô Seoul nhân kỷ niệm 100 năm ngày lễ Độc lập 1-3, một trong những ngày lễ lớn của Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in cam kết sẽ liên lạc, hợp tác chặt chẽ với Mỹ và CHDCND Triều Tiên để giúp các cuộc đàm phán Mỹ - Triều đạt thỏa thuận trọn vẹn bằng mọi cách. Ông cho biết, Hàn Quốc sẽ tham vấn Mỹ về khả năng tái khởi động các dự án kinh tế liên Triều để thúc đẩy nhanh hơn việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Đó là các dự án nối lại hoạt động du lịch tại núi Kumgang và tổ hợp công nghiệp Kaesong, cả hai đều nằm trên địa phận Triều Tiên. Với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Triều Tiên, Hàn Quốc không thể nối lại các dự án kinh tế. Tổng thống Moon cũng từng đề xuất lập một ủy ban kinh tế chung giữa hai miền để phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng mà ông cho là phù hợp với tiến trình phi hạt nhân hóa.
Theo Tổng thống Moon Jae-in, mặc dù hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) ngày 27 và 28-2 không đạt được thỏa thuận, không ra tuyên bố chung, nhưng vẫn là “tiến bộ có ý nghĩa” vì giúp Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiểu nhau hơn cũng như tăng cường lòng tin lẫn nhau.
Hãng AP nhận định, việc Mỹ - Triều không đạt được thỏa thuận tại thượng đỉnh lần hai cũng là thất bại đối với Tổng thống Moon Jae-in trong lúc ông mong muốn hai miền Triều Tiên xích lại gần nhau hơn thông qua một thỏa thuận đột phá về phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng. Cách tiếp cận ôn hòa của ông Moon phần nào khiến Mỹ không hài lòng bởi cường quốc hàng đầu thế giới muốn dùng áp lực kinh tế để kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Song, bài phát biểu của Tổng thống Moon Jae-in không đề cập đến kế hoạch mới về các hoạt động kinh tế liên Triều, chỉ nói rằng Hàn Quốc sẽ thúc đẩy “bước chuyển lớn” hướng tới cơ chế mới trên bán đảo Triều Tiên, đó là một cộng đồng hòa bình và hợp tác kinh tế, ngược lại với lịch sử đầy xung đột và sóng gió.
Theo Reuters, với chủ trương ủng hộ tích cực những nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae-in đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un 3 lần vào năm ngoái, đồng thời thúc đẩy đàm phán giữa Mỹ và Bình Nhưỡng. Giờ đây, ông chủ Nhà Xanh hy vọng sẽ có hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 4, tốt nhất là diễn ra tại Seoul. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn, hiện là Chủ tịch đảng Hàn Quốc Tự do bảo thủ (LKP) chỉ trích ông Moon “ảo tưởng” về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. “Không có tiến triển về vấn đề Triều Tiên, chương trình trong nước của Tổng thống Moon trở thành thước đo duy nhất về thành công của ông”, nhà phân tích Alison Evans tại IHS Markit, nhà cung cấp thông tin toàn cầu có trụ sở ở London (Anh) nói.
Cũng trong ngày 1-3, trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho rằng, mặc dù Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh lần hai nhưng việc Washington vẫn kiên trì đối thoại với Bình Nhưỡng vẫn mang ý nghĩa quan trọng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington sẽ tiếp tục đàm phán với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa nước ông và Seoul rất quan trọng.
Giáo sư Koh Yu-hwan thuộc Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cho rằng, Mỹ và Triều Tiên cần duy trì đàm phán để thu hẹp khoảng cách; các quốc gia liên quan khác, trong đó có Hàn Quốc và Trung Quốc, cần được tham gia để hỗ trợ tiến trình. Ông Vương Tuấn Sinh, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) nhận định, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai là một “thỏa thuận chuyển tiếp” để kết nối quá khứ và tương lai. Theo chuyên gia này, việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không chỉ kiểm nghiệm sự chân thành mà còn cả trí tuệ từ hai phía.
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào nửa đêm 28-2, Ngoại trưởng CHDCND Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết, nước ông đã đưa ra đề xuất mang tính thực chất trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo đó, Triều Tiên đề xuất dỡ bỏ 5/11 lệnh cấm vận được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua năm 2016 và 2017, nhất là những biện pháp trừng phạt liên quan đến đời sống của người dân. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẵn sàng cam kết từ bỏ hoàn toàn các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa; đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 1-3 mô tả các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội là “mang tính xây dựng và thẳng thắn”. KCNA cho rằng, hai nhà lãnh đạo đã “nhất trí về tầm quan trọng của sự tôn trọng và xây dựng niềm tin lẫn nhau, xem đây là cơ hội quan trọng để có thể đưa quan hệ hai nước sang một bước mới”. |
PHÚC NGUYÊN