Hoãn Brexit để tháo gỡ bế tắc

.

Thủ tướng Anh Theresa May sẽ thuyết phục các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đồng ý lùi thời điểm thực thi Brexit đến ngày 30-6, thay vì ngày 29-3, nhằm tránh việc nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới rời khối mà không có thỏa thuận.

Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định việc hoãn Brexit đến ngày 30-6 là “điều rất đáng tiếc”.					                 Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định việc hoãn Brexit đến ngày 30-6 là “điều rất đáng tiếc”. Ảnh: Getty Images

Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào ngày 21 và 22-3 là dịp để Thủ tướng Theresa May đề nghị thêm thời gian thực thi Brexit bởi các nghị sĩ Anh không nhất trí về cách thực hiện nên Vương quốc này không thể rời khỏi khối vào ngày 29-3 cùng một thỏa thuận. Trong thư gửi EU ngày 20-3, Thủ tướng May đề nghị lui thời điểm “ly hôn” đến ngày 30-6. Hạ viện Anh trước đó 2 lần bác bỏ thỏa thuận mà bà May đạt được với EU. Giờ đây chỉ còn 8 ngày nữa sẽ kết thúc cuộc “ly hôn” không êm thấm, Anh vẫn không có thỏa thuận trong tay. 

Đề xuất gia hạn Brexit của Thủ tướng Anh đặt ra một loạt vấn đề mang tính pháp lý và chính trị. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng, khối gồm 27 thành viên còn lại có thể sẽ chấp nhận trì hoãn Brexit trong thời gian ngắn chỉ khi nào Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit vào tuần tới. Việc lùi Brexit 3 tháng nghĩa là Anh sẽ tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu từ ngày 23-5 đến 26-5. Nhưng nếu rời EU trước bầu cử, Anh đương nhiên không có đại diện trong Nghị viện và những ghế này sẽ được chuyển cho các nước khác để cạnh tranh trong cuộc bỏ phiếu. Nếu thỏa thuận Brexit bị bác bỏ một lần nữa, một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU sẽ diễn ra để thống nhất gia hạn thời điểm Brexit ít nhất đến cuối năm nay.

EU không muốn Anh rời khối trong tình trạng “tay trắng” để tránh những hệ lụy về kinh tế cho cả hai bên. Song, khối này chỉ muốn hoãn Brexit đến ngày 23-5 (trước thời điểm bầu cử Nghị viện châu Âu), hoặc hoãn ít nhất tới cuối năm 2019. Nếu EU cho phép trì hoãn Brexit trong thời gian dài, Anh phải cam kết bỏ phiếu trắng trong các phiên tranh luận về những vấn đề quan trọng như ngân sách hay việc bổ nhiệm các vị trí trong Ủy ban châu Âu (EC). 27 thành viên muốn ngăn Anh dùng quyền phủ quyết để gia tăng sức ép, buộc EU nhượng bộ trong các cuộc đàm phán tiếp theo về Brexit.

Tuy nhiên, việc lùi Brexit đến cuối năm là điều khó xảy ra bởi chính Thủ tướng May đã rất miễn cưỡng khi đề nghị EU gia hạn đến ngày 30-6. Bà không muốn trì hoãn Brexit lâu hơn nữa để tránh áp lực trong nước đối với cuộc tổng tuyển cử hoặc tránh khả năng diễn ra cuộc trưng cầu dân ý lần hai. Người đứng đầu chính phủ Anh thậm chí cho rằng, trì hoãn Brexit bằng cách kéo dài thời gian đàm phán không giúp loại bỏ hoàn toàn khả năng Anh ra đi mà không có thỏa thuận. Thời gian 3 tháng sắp tới có thể được tận dụng để Anh và EU đàm phán thêm nhằm hoàn thiện các văn kiện về mối quan hệ trong tương lai.

Trong lúc Thủ tướng May đang phải chạy đua với thời gian để cứu vãn thỏa thuận Brexit, các nhà quan sát cho rằng sẽ không có quyết định nào được Brussels đưa ra vào ngày 21-3 (giờ địa phương). Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker tuyên bố, EU sẽ không đưa ra quyết định khi quan điểm của Anh chưa rõ ràng. Pháp phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự gia hạn nào đối với tiến trình Brexit. Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, việc gia hạn chỉ có ý nghĩa nếu có thể dẫn tới tiến trình Brexit có trật tự.

Quốc hội Anh đã bế tắc trong nhiều tháng xung quanh vấn đề Brexit. Các nghị sĩ không thể quyết định cách thức thực thi kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 và chính cử tri cũng rất mệt mỏi trước tương lai không rõ ràng của đất nước này. Thủ tướng May cho rằng, bế tắc này do các nghị sĩ đã phản đối kế hoạch Brexit và khẳng định việc hoãn Brexit đến ngày 30-6 là “điều rất đáng tiếc”.

Đến lúc này, cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU vẫn nhùng nhằng, trong khi đàm phán lại là điều không thể.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.