Khủng hoảng chính trị Anh chưa có hồi kết

.

Kế hoạch A cho vấn đề Brexit bị Hạ viện Anh bác bỏ 2 lần. Kế hoạch B, chút hy vọng cuối cùng để tháo gỡ bế tắc, cũng bị bác bỏ. Nếu Thủ tướng Theresa May từ chức, cuộc chạy đua tìm người kế nhiệm bà có thể bắt đầu vào cuối tháng 5 tới.

Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ từ nhiệm nếu các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit. Ảnh: MSN
Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ từ nhiệm nếu các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit. Ảnh: MSN

Hôm nay (29-3) là thời điểm Anh phải rời Liên minh châu Âu (EU) theo kế hoạch. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thống nhất lùi thời hạn “ly hôn” đến ngày 12-4 để Vương quốc này giải quyết những bất đồng, rạn nứt trên chính trường trong nước. Đến nay, Brexit vẫn bế tắc.

Tối 27-3 (giờ London), các nghị sĩ Anh bác bỏ toàn bộ 8 phương án thay thế thỏa thuận mà Thủ tướng Theresa May đạt được với khối gồm 27 thành viên còn lại, bất chấp việc nhà lãnh đạo này tuyên bố sẵn sàng từ chức để đổi lấy cái gật đầu của Quốc hội. Điều đó có nghĩa là kế hoạch A sắp “chết” và kế hoạch B cũng thất bại.

Theo CNN, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng May nói rằng, bà sẽ từ chức nếu thỏa thuận Brexit được thông qua trong cuộc bỏ phiếu lần 3. “Tôi sẵn sàng rời bỏ công việc sớm hơn dự kiến để bảo đảm những gì đúng nhất cho đất nước và cho đảng của chúng ta”, bà May nói nhưng không đưa ra thời gian cụ thể từ nhiệm. Vài giờ sau đó, Hạ viện bỏ phiếu về những giải pháp thay thế thỏa thuận nhưng không tìm được tiếng nói chung.

Hiện tại, đảng Liên minh Dân chủ (DUP) Bắc Irealand kiên quyết phản đối thỏa thuận Brexit và cho rằng thỏa thuận này gây ra “mối đe dọa không chấp nhận được” khi mở cửa biên giới với Ireland (thành viên của EU). Công đảng đối lập và các đảng Dân tộc Scotland cũng phản đối thỏa thuận. Vì vậy, với “canh bạc được ăn cả, ngã về không”, việc từ chức của Thủ tướng May không giúp hồi sinh thỏa thuận Brexit bởi mất đi sự ủng hộ của 10 nghị sĩ DUP.

Ngay cả khi bà giành được sự ủng hộ để thông qua thỏa thuận, vẫn còn có quá nhiều rào cản trước khi Hạ viện bỏ phiếu lần 3 vào ngày 29-3. Nếu các nghị sĩ phê chuẩn thỏa thuận, Anh sẽ rời “mái nhà chung” vào ngày 22-5. Nếu không, bà May sẽ phải trở lại Brussels (Bỉ) trước ngày 12-4 để giải thích với các nhà lãnh đạo châu Âu về bước đi tiếp theo của Anh.

Tháng 1 vừa qua, Thủ tướng May tuyên bố sẽ từ chức trước cuộc tổng tuyển cử năm 2022. Giờ đây, hãng CNN bình luận: Nếu cho rằng việc bà May tuyên bố từ chức sớm sẽ có thể kết thúc giai đoạn hỗn loạn nhất của nền chính trị Anh trong nhiều thập niên thì đó là suy nghĩ sai. Trong tình trạng bế tắc kéo dài, khó có thể dự đoán được những tuần hay những tháng sắp tới sẽ như thế nào đối với chính phủ cũng như Vương quốc Anh.

Thỏa thuận Brexit bị Hạ viện bác bỏ hai lần vào ngày 15-1 và 12-3. Hiện tại, chưa rõ khi nào nền kinh tế lớn thứ năm thế giới rời EU. Nhiều khả năng đặt ra như: Anh rời EU mà không có thỏa thuận, hoặc hoãn Brexit để tổ chức tổng tuyển cử…

Nếu Thủ tướng May từ chức, cuộc đua tìm người kế nhiệm bà có thể được bắt đầu vào cuối tháng 5 tới và chiến dịch tranh cử kéo dài 6 tuần sẽ mang lại cho nước Anh một thủ tướng mới vào đầu tháng 7. Nhiệm vụ hàng đầu của tân thủ tướng là mở ra giai đoạn hai để Anh đàm phán về mối quan hệ thương mại trong tương lai với EU.

Tân thủ tướng có thể chọn chính phủ mới, trong đó có bộ trưởng Brexit mới và thậm chí cả ngoại trưởng mới. CNN cho hay, nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ khẳng định, tân thủ tướng phải là người tin tưởng tuyệt đối Brexit, chẳng hạn như cựu Ngoại trưởng Boris Johnson hay cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.